Yêu cầu phản tố có tính thời hiệu?

  Yêu cầu phản tố có tính thời hiệu hay không? Luật Minh Tín cùng bạn đọc tìm hiểu và đưa ra các quan điểm về phản tố có tính thời hiệu. 

  Quá trình hành nghề thực tế, Luật Minh Tín gặp rất nhiều trường hợp liên quan đến vụ việc có bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, tại các Tòa án nhân dân (TAND) ở các địa phương khác nhau đưa ra các quan điểm khác nhau về việc có hay không áp dụng thời hiệu cho yêu cầu phản tố. Bài viết này xin đưa ra một số ví dụ và quan điểm như sau:

  Ví dụ 1: Tháng 9/2010, Công ty A ký hợp đồng thi công công trình xây dựng nhà xưởng với Công ty B. Đến tháng 4/2011, Công ty A đã thực hiện xong các nghĩa vụ của mình nhưng Công ty B chỉ mới thanh toán được gần 800 triệu đồng. Đồng thời, Công ty B đã nhận hồ sơ quyết toán, hồ sơ hoàn công (có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát) nhưng không ký hồ sơ mà không rõ lý do trong khi số tiền còn lại phải thanh toán theo khối lượng thi công là hơn 700 triệu đồng.

  Tháng 5/2013, Công ty B có văn bản gửi Công ty A xác nhận số tiền cần thanh toán còn lại là hơn 300 triệu đồng do Công ty A vi phạm một số nội dung hợp đồng, Công ty B chưa thống kê được thiệt hại nên thời gian qua chưa thanh toán. Nay, Công ty B đồng ý thanh toán cho Công ty A số tiền 300 triệu đồng và đề nghị hai bên thanh lý hợp đồng.

  Không đồng ý, ngày 11/5/2015, Công ty A đã khởi kiện ra TAND huyện Gia Viễn – Ninh Bình yêu cầu Công ty B phải thanh toán hơn 900 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Đến ngày 9/6/2015, Công ty A đã nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu của tòa. Phía Công ty B cũng có yêu cầu phản tố nhưng tòa không chấp nhận vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện là hai năm theo quy định. Sau đó qua thương lượng, hai công ty đã thỏa thuận được với nhau nên Công ty A rút đơn khởi kiện.

  Ví dụ 2: Tháng 9/2010, Công ty DM ký hợp đồng thuê thiết bị xây dựng với Công ty TD. Sau ngày 16/9, Công ty TD đã thực hiện xong nghĩa vụ vận chuyển hàng thuê và các nghĩa vụ khác theo đúng hợp đồng các bên đã ký. Ngày 30/6/2012, Công ty DM đã gửi bản xác nhận công nợ với số tiền thuê chỉ tính  đến 8 tháng năm 2011 và không thanh toán bất kì khoản nào cho Công ty TD.

  Ngày 15/10/2013, Công ty TD khởi kiện yêu cầu TAND quận Hoàn Kiếm giải quyết vụ việc buộc Công ty DM phải thanh toán toàn bộ tiền thuê từ tháng 9/2010 đến tháng 01/2013 với số tiền trên 1 tỷ 600 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Sau khi bị TAND TP. Hà Nội đã xử huỷ Bản án sơ thẩm ngày 18/11/2014 của TAND quận Hoàn Kiếm. Ngày 15/6/2015, TAND quận Hoàn Kiếm thụ lý lại vụ án. Ngày 07/4/2016, bị đơn có Đơn yêu cầu phản tố và đã được TAND quận Hoàn Kiếm nhanh chóng thụ lý và không áp dụng thời hiệu. Qua phiên xử sơ thẩm gần đây nhất, đến nay, các bên vẫn tiếp tục kháng cáo.

  Trong vụ việc thứ nhất, tòa từ chối thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn với lý do hết thời hiệu khởi kiện. Còn ở vụ việc thứ hai, toà nhanh chóng thụ lý yêu cầu phản tố mà không vướng mắc về vấn đề thời hiệu. Từ đây, một vấn đề pháp lý cần đặt ra: Có áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố hay không? Việc xác định thời hiệu đối với yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự như thế nào mới đúng? Bài viết xin làm rõ các vấn đề trong phạm vi nêu trên.

yêu cầu phản tố
Yêu cầu phản tố có tính thời hiệu hay không?

1.  Khái niệm và đặc điểm của yêu cầu phản tố 

  Hệ thống thuật ngữ pháp lý Việt Nam chưa đưa ra khái niệm cụ thể về “Yêu cầu phản tố”. Tuy nhiên, với tư cách là đặc quyền thuộc về bị đơn trong vụ việc dân sự, yêu cầu phản tố  được hiểu là việc đưa ra các yêu cầu mang tính “đối ngược” với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nói cách khác chính là việc bị đơn  “kiện ngược” nguyên đơn.  Để được coi là yêu cầu phản tố thì yêu cầu đó phải đáp ứng các điều kiện của quy định pháp luật. Cụ thể:

  Thứ nhất, đối tượng mà yêu cầu phản tố của bị đơn hướng đến chỉ có thể là yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

  Thứ hai, yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau (Khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015):

– Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ đối với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

– Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

– Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau. Nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

  Thứ ba, thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).

2. Có áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố hay không?

  Quan điểm thứ nhất:  Yêu cầu phản tố cũng được coi là yêu cầu khởi kiện nên cũng phải áp dụng thời hiệu khởi kiện giống như yêu cầu khởi kiện.

  Theo khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này. Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn cũng được hiểu chính là một yêu cầu khởi kiện. Khi có phát sinh “yêu cầu phản tố”, bị đơn cũng có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như nguyên đơn. Nếu yêu cầu phản tố đã quá thời hiệu khởi kiện thì tòa sẽ lấy đó làm căn cứ để không chấp nhận.

  Ngoài ra, theo điều 146 BLTTDS, bị đơn cũng phải thực hiện nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố của mình.  Theo điều 202, thủ tục yêu cầu phản tố cũng được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện theo Điều 184 BLTTDS.

  Quan điểm thứ hai: Yêu cầu phản tố không phải là yêu cầu khởi kiện mà chỉ được áp dụng các thủ tục của yêu cầu khởi kiện do có tính tương tự nên không được áp dụng thời hiệu.

  Khi vụ kiện được bắt đầu bằng việc khởi kiện của nguyên đơn, sau khi tòa thụ lý, bị đơn phải tìm hiểu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì để từ đó chấp nhận hay có yêu cầu phản tố. Khoản 4 Điều 200 BLTTDS đã quy định: Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố bất kì thời điểm nào trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chứ không áp dụng với yêu cầu phản tố của bị đơn. Tức, đây là quyền không bị hạn chế về thời hiệu của bị đơn.

  Trong các vụ kiện, bị đơn luôn ở thế bị động, phụ thuộc vào các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn có đưa ra yêu cầu khởi kiện thì bị đơn mới biết mà có yêu cầu phản tố. Nói cách khác, yêu cầu phản tố luôn luôn có sau yêu cầu khởi kiện. Khi nào có yêu cầu khởi kiện thì mới phát sinh yêu cầu phản tố. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn là dạng quyền “phái sinh” từ quyền khởi kiện của nguyên đơn.

  Mặt khác, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, có nghĩa đây là quy định dành cho nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện của mình trong một thời hạn nhất định. Tại Điều 200 BLTTDS về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, không có nội dung nào xác định bị đơn phải phản tố trong thời hiệu khởi kiện. Như vậy, trong khoảng thời gian từ khi tòa thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố bất kỳ lúc nào.

  Tuy nhiên, quan điểm theo các hướng nêu trên cũng chỉ dừng lại ở lập luận và nhận thức pháp luật của từng tổ chức hành nghề, từng TAND các địa phương. Việc yêu cầu phản tố có phải chịu sự điều chỉnh của quy định về thời hiệu theo BLTTDS hay không là vấn đề còn đang gây tranh cãi và cần có sự hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao về vấn đề này. Do đó, luật sư khi tham gia giải quyết vụ việc dân sự có thể  vận dụng từng quan điểm, cách hiểu trên để ứng xử, kiến nghị để tạo lợi thế cho thân chủ trong vụ việc dân sự đó.

  Trên đây là hướng dẫn mà Luật Minh Tín đưa ra về phản tố có tính thời hiệu. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về phản tố có tính thời hiệu.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Hồng Anh

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese