Đôi điều về pháp luật và báo chí

pháp luật và báo chí

  Chúng ta có thể nhận thức rằng pháp luật “là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí chung của một quốc gia, khu vực. Được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế”1. Vai trò của pháp luật là duy trì trật tự, ổn định và bảo vệ công lý.

  Về khái niệm báo chí “Báo, hay còn gọi đầy đủ là báo chí xuất phát từ hai từ “báo”- thông báo và “chí”- giấy. Nói một cách khái quát là những xuất bản phẩm định kỳ nhằm báo cáo về các sự vật, hiện tượng hay con người nổi bật trong ngày mà xã hội cần quan tâm”2. Báo chí có nhiệm vụ phổ biến thông tin đến độc giả, phân tích, phản biện xã hội.

  Về mặt khoa học pháp lý, quyền lực của một nhà nước thường được trao cho 3 cơ quan (chính thức) đó là Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay với tư tưởng đề cao sức mạnh của tự do thông tin thì báo chí được coi là nhánh Quyền lực thứ 4 (dù không chính thức) sánh cùng 3 cơ quan quyền lực còn lại.

pháp luật và báo chí
Đôi điều về pháp luật và báo chí

  Mối tương quan giữa pháp luật và báo chí

  Thứ nhất, về mặt chức năng, báo chí có vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các thành viên trong xã hội. Từ việc đưa tin về những lần lấy ý kiến, sửa đổi Hiến pháp, các dự thảo luật của Quốc hội, đăng Công báo cho đến việc ban hành các văn bản pháp luật mới đều nhờ đến sự phổ biến rộng rãi của báo chí. Trong khi đó, pháp luật lại trở thành nguồn của báo chí, thông qua những vụ việc được Tòa án xét xử, những hỏi đáp, phỏng vấn, những tọa đàm khoa học luật pháp, báo chí đã thông tin kịp thời đến đông đảo tầng lớp nhân dân.

  Thứ hai, báo chí được biết đến với nhiệm vụ phát hiện và phơi bày vấn đề trong khi pháp luật giúp giải quyết xử lý các vấn đề ấy. Đơn cử như việc năm 2008 Công ty Vedan xả thải chui ra sông Thị Vải gây ô nhiễm nặng. Nhờ có sự vào cuộc đưa tin của báo chí mà đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Rồi liên tiếp các vụ việc có dấu hiệu lạm quyền, tham nhũng của các cá nhân đã bị báo chí đưa ra ánh sáng. Nhờ đó cơ quan chức năng đã nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật…

  Thứ ba, báo chí và pháp luật cùng góp phần giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước. Với tiêu chí minh bạch thông tin, phản ánh chính xác, kịp thời, báo chí được xem như một trong những phương tiện để người dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, từ các vấn đề như: đối nội, đối ngoại, việc ban hành các văn bản pháp luật, kê khai tài sản,… Bởi xét cho cùng, Nhân dân mới chính là người chủ thực sự, cho nên họ cần được thông báo về những gì đang diễn ra do những người mà họ tạm trao quyền để thực hiện công việc chung. Đến lượt mình, pháp luật chính là chiếc vòng kim cô để kiểm soát mọi cá nhân, tổ chức theo nguyên tắc “Dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực” để tránh việc Quyền lực làm cho con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối3.

  Có thể nói, pháp luật và báo chí có mối quan hệ khá mật thiết. Chúng cùng nhau phục vụ vì lợi ích chung của mọi người. Xã hội càng văn minh thì càng nên coi trọng tự do báo chí và tính tối thượng của pháp luật. Sự kết hợp giữa báo chí và luật pháp mang lại nhiều ích lợi, tuy nhiên cũng giống như một tấm huy chương nó đều có mặt trái. Có đôi lúc báo chí làm nhiệm vụ thay pháp luật. Như việc một nghi can mới bị bắt thì các cơ quan báo chí đã thay cơ quan tư pháp kết tội họ, định hướng dư luận, hay bị biến thành công cụ cho những mưu toan kinh tế và chính trị. Vì vậy, người viết cho rằng nên để pháp luật và báo chí vào đúng vị trí của nó. Mọi sự lấn sân đều sẽ mang lại hậu quả không nhỏ cho xã hội.

  Trên đây là những chia sẻ đôi điều pháp luật và báo chí. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc có kiến thức và hiểu thêm về pháp luật và báo chí.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Vũ Khỏe

1. Giáo trình Nhà nước và Pháp luật- Đại học Luật Hà Nội;

2. Theo Bách khoa toàn thư mở;

3. Lord Acton, sử gia người Anh cuối thế kỷ 19.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese