Bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội (On Presumption of innocence)

  “Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội” 1 đây là một trong những nguyên tắc căn bản trong Luật Tố tụng hình sự của Thụy Điển – quốc gia đi đầu trong việc loại bỏ hình phạt tử hình trên thế giới.

  Trở lại vấn đề nguyên tắc suy đoán vô tội: “Suy đoán vô tội được hiểu là bất kỳ người nào bị cáo buộc trong việc thực hiện tội phạm đều được coi là chưa có tội khi lỗi của người đó chưa được chứng minh theo trình tự do pháp luật quy định bằng bản án buộc tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” 2. Vậy, tại sao lại có nguyên tắc này và cơ sở của nguyên tắc này từ đâu?

suy đoán vô tội
Nguyên tắc suy đoán vô tội

  Trước hết, theo quan điểm của người viết đây là một nguyên tắc rất nhân bản, tiến bộ của nhân loại. Nó là sự kế thừa và được rút ra từ những thăng trầm của con người trong suốt tiến trình lịch sử. Nhân bản ở chỗ nó giúp bảo vệ giá trị Quyền con người (nhân quyền- human rights) – một quyền bất khả nhượng và bất khả xâm phạm đối với bất cứ ai trên thế giới. Theo sách Tam Tự Kinh3 thì “Nhân chi sơ tính bản thiện” cho rằng bản tính của con người là tính thiện và hướng thiện. Người viết cũng đồng tình với quan điểm này khi đưa ra quan điểm rằng trong việc phán xét, đánh giá một con người thì nên nhìn nhận và đánh giá con người ấy ở tính tốt đẹp của họ trước. Bởi ngay từ khi ra đời họ đã mang trong người tính thiện.

  Cơ sở cho sự ra đời nguyên tắc suy đoán vô tội gồm những gì?

       

nguyên tắc suy đoán vô tội
Nguyên tắc suy đoán vô tội – Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

  Ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc4 đã thông qua bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Tại Khoản 1 Điều 11 có nội dung: “1) Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ”

  Tiếp đến, năm 1966 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng thông qua Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Với việc tái khẳng định việc công nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng và bất di bất dịch của con người là nền tảng cho tự do, công lý. Khoản 2 Điều 14 của Công ước với nội dung: “2. Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”.

  Tại Việt Nam, tư tưởng của nguyên tắc suy đoán vô tội đã được thể hiện trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật tố tụng hình sự. Cụ thể, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã quy định như sau:

   “1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

  2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

         3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.

  4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

   5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.

  Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa quy định của Hiến Pháp về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau:

  “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

  Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

nguyên tắc suy đoán vô tội
Bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội

  Tầm quan trọng của việc nhận thức và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng

  Thứ nhất, việc thực hiện nguyên tắc này là tiền đề bảo đảm cho những người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa của mình. Tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc suy đoán vô tội ở các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự như điều tra, truy tố, xét xử là một trong những điều kiện cho việc phát hiện nhanh chóng chính xác, xử lý kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

  Thứ hai, chúng ta cũng nên nhất trí rằng việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc minh oan cho người vô tội cũng quan trọng và có ý nghĩa xã hội như việc xử lý nghiêm minh người có tội.

  Thứ ba, cần phải đưa ra nhận định rằng: coi bị can chưa phải là người có tội thì mới đảm bảo được tính khách quan của điều tra viên, kiểm sát viên trong việc thu thập chứng cứ và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu coi người bị bắt giữ với tư cách là người bị tình nghi, người bị khởi tố với tư cách là bị can đã là người có tội thì dễ dẫn đến hậu quả là điều tra viên, kiểm sát viên chỉ chú ý đến chứng cứ buộc tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm của người bị bắt giữ và bị can chứ không quan tâm đến việc làm sáng tỏ các chứng cứ gỡ tội, các tình tiết giảm nhẹ. Nếu hội đồng xét xử coi bị cáo là người có tội trước khi mở phiên tòa xét xử thì sẽ không đảm bảo được sự khách quan trong việc đánh giá chứng cứ, đánh giá ý kiến tranh luận của các bên buộc tội và bên bào chữa đưa ra.

  Thứ tư, việc coi một người là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án có nghĩa là đồng nhất các khái niệm người bị tình nghi, bị can, bị cáo, người bị kết án đều là người có tội và đồng nhất biện pháp ngăn chặn với biện pháp hình phạt sẽ dẫn đến sự vô hiệu hóa của việc phân định thẩm quyền tố tụng giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.

  Có thể đi đến kết luận rằng nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng đối với việc áp dụng pháp luật cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Đặt trong bối cảnh Việt Nam, toàn dân cùng phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một nhà nước Pháp quyền, dân chủ thì các biện pháp để bảo vệ quyền con người cần được quan tâm một cách thích đáng.

  Trên đây là những chia sẻ của Luật Minh Tín về nguyên tắc suy đoán vô tội. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc có kiến thức và hiểu thêm về vấn đề nguyên tắc suy đoán vô tội.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Vũ Khỏe

1 Luật tố tụng hình sự Thụy Điển;

2 Theo quan điểm của Luật sư Phạm Hồng Hải;

3 Cuốn sách chữ Hán được soạn từ đời Tống, Trung Quốc;

4 Là một trong 5 cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese