Điều kiện khi kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA

hỏi đáp thi hành án

Câu hỏi: Cơ quan thi hành án khi tiến hành kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác cần phải đáp ứng các điều kiện gì?

(Câu hỏi của chị Mai Thị Thu T ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ)

Trả lời:

Trường hợp cơ quan thi hành án kê biên tài sản thuộc sở hữu chung được căn cứ theo quy định tại Điều 74, Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về việc cưỡng chế tài sản thuộc sở hữu chung như sau:

1. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

3. Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.

Theo quy định trên thì tài sản chung của người phải thi hành án với người khác là tài sản thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong trường hợp họ là người thế chấp, bảo lãnh cho người phải thi hành án) với người khác không liên quan đến bản án, quyết định đang được tổ chức thi hành.

Do vậy, tài sản chung trong các vụ án hôn nhân gia đình, chia thừa kế đã được Tòa án giải quyết thì không thuộc trường hợp áp dụng theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự nêu trên, vì người được thi hành án, người phải thi hành án đều là những người trong cùng bản án, quyết định. Hơn nữa, tài sản chung của họ đã được Tòa án giải quyết, phân chia.

Như vậy, điều kiện đầu tiên đó là tài sản chung bị kê biên không phải là tài sản chung trong các vụ án hôn nhân gia đình, chia thừa kế.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 74 Luật thi hành án dân sự thì điều kiện để kê biên tài sản chung của người có nghĩa vụ thi hành án là phải xác định được phần sở hữu của từng chủ sở hữu. Quy định này được hiểu là Chấp hành viên chỉ kê biên, xử lý tài sản sau khi đã có bản án của Tòa án về việc xác định tài sản chung.

Điều kiện thứ ba, cơ quan thi hành án khi kê biên tài sản chung của người có nghĩa vụ thi hành án phải chấp hành đúng các nguyên tắc sau:

– Cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của người phải thi hành án về việc tự nguyện đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án, các chi phí liên quan.

Trong trường hợp này, chấp hành viên lập biên bản giải thích cho họ về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án. Người phải thi hành án bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch đối với các tài sản khác cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

– Cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên tài sản khác của doanh nghiệp phải thi hành án, nếu sau khi đã khấu trừ tài khoản, xử lý vàng, bạc, đá quý, kim khí quý khác, giấy tờ có giá của doanh nghiệp đang do doanh nghiệp quản lý hoặc đang do người thứ ba giữ mà vẫn không đủ để thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định có quyết định khác hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

Để được hỗ trợ chi tiết về vấn đề thi hành án hoặc các dich vụ pháp lý khác, Quý khách vui lòng liên hệ tới Công ty Luật TNHH Minh Tín theo:

Số điện thoại: 024.3555.8410/0915.177.856

HOTLINE: 0902.267.116

Email: info@luatminhtin.vn

Rất mong được hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese