Những rủi ro phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hóa

rui-ro-hop-dong-mua-ban

1. Rủi ro về hợp đồng vô hiệu

  Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, hay nói cách khác đó là kết quả của sự thống nhất ý chí của các bên. Do đó, các bên cần phải thiện chí và thực hiện các cam kết đó.

  Tuy nhiên, với những lý do khác nhau mà trong quá trình giao kết thực hiện hợp đồng, một trong hai bên hoặc cả hai bên không đạt được mục đích của mình, dẫn đến những thiệt hại và xảy ra tranh chấp.

rui-ro-hop-dong-mua-ban
Hợp đồng vô hiệu – Những rủi ro hợp đồng mua bán hàng hóa

  Dưới góc nhìn pháp lý thì đó chính là các rủi ro trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng, và gây nhiều thiệt hại cho các bên liên quan. Bởi một khi hợp đồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”.

  Điều này không hề đơn giản, vì các bên đã và đang thực hiện được một phần hoặc toàn bộ hợp đồng.

  Việc khôi phục lại trạng thái ban đầu là rất khó khăn, có thể gây nhiều thiệt hại cho một hoặc hai bên.

  Trên thực tế những rủi ro thường dẫn đến hợp đồng vô hiệu bao gồm:

a) Rủi ro về chủ thể ký kết hợp đồng

  Thông thường, những rủi ro về chủ thể ký kết hợp đồng bao gồm:

–  Chủ thể không có đủ năng lực giao kết hợp đồng;

–  Người ký là đại diện theo pháp luật của công ty nhưng không có thẩm quyền ký kết;

–  Người ký không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký kết hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền.

b) Rủi ro về mặt hình thức của hợp đồng

  Một số rủi ro về mặt hình thức của hợp đồng thường gặp:

–  Hai bên xác lập hợp đồng không lập thành văn bản. Đối với những hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật;

–  Hợp đồng không được công chứng, chứng thực tại văn phòng công chứng có thẩm quyền thực hiện hoạt động công chứng chứng thực.

c) Rủi ro về đối tượng của hợp đồng:

  Đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa.

  Một số rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện hợp đồng như: hàng hóa là đối tượng của hợp đồng không đủ điều kiện để thực hiện (bị hạn chế) hoặc bị pháp luật cấm.

2. Rủi ro liên quan đến nội dung, các điều khoản của hợp đồng

a) Rủi ro về điều khoản đối tượng của hợp đồng

  Rủi ro thường gặp ở đây là rủi ro về việc mô tả hàng hóa trong hợp đồng không rõ ràng, chi tiết về chủng loại, quy cách, chất lượng, số lượng, đơn vị đo lường,…

  Điều này dẫn đến hậu quả là khi có tranh chấp xảy ra, rất khó để xác định có hay không một bên không cung cấp hàng hóa hay thực hiện dịch vụ đúng như đã thỏa thuận ban đầu. Do đó, rất khó để ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau khi có tranh chấp xảy ra.

b) Rủi ro về điều khoản bất khả kháng

  Trên thực tế, rủi ro mà các bên thường mắc phải liên quan đến điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng đó là:

–  Không quy định điều khoản bất khả kháng;

–  Chỉ nêu định nghĩa bất khả kháng là như thế nào;

–  Chỉ liệt kê một số trường hợp được miễn trách nhiệm, liệt kê không đầy đủ.

  Việc chỉ liệt kê ra các trường hợp được xem là bất khả kháng không phải là một cách hiệu quả. Bởi lẽ chúng ta sẽ không có khả năng liệt kê được hết các trường hợp nào là sự kiện bất khả kháng. Việc liệt kê này sẽ dẫn đến việc liệt kê không đầy đủ, dẫn đến rủi ro.

  Trên thực tế, khi có sự kiện xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của một bên nhưng không được xem là bất khả kháng. Bởi lẽ, sự việc đó không nằm trong danh sách các trường hợp được đề cập trong hợp đồng.

c) Rủi ro về điều khoản phạt vi phạm, bồi thường

  Theo quy định của pháp luật về thương mại, nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận về phạt vi phạm thì trên thực tế không được áp dụng chế tài phạt vi phạm.

  Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được quy định này. Do đó, khi soạn thảo hợp đồng, nhiều công ty không đưa nội dung về phạt vi phạm vào trong hợp đồng dẫn đến rủi ro khi một bên trong hợp đồng không thực hiện đúng các nghĩa vụ theo thỏa thuận, gây ra thiệt hại nhưng không có cơ sở để phạt bên vi phạm.

  Bên cạnh điều khoản về phạt vi phạm, điều khoản về bồi thường thiệt hại cũng chưa được các bên chú trọng nhiều và các bên chưa lường trước được các hậu quả có thể xảy ra.

  Ví dụ, có rất nhiều đối tác cung cấp hàng hóa/dịch vụ. Khi soạn thảo hợp đồng, họ giới hạn trách nhiệm bồi thường của họ ở một giới hạn nhất định (trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối đa không vượt quá toàn bộ giá trị hợp đồng,…). Điều này dẫn đến rủi ro là khi thiệt hại trên thực tế mà họ gây ra cho phía bên kia vượt quá giá trị hợp đồng nhưng họ sẽ có thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với phần vượt quá đó.

d) Rủi ro về điều khoản giải quyết tranh chấp

  Khi soạn thảo, các bên trong hợp đồng thường chú trọng và dành rất nhiều thời gian cho các điều khoản như đối tượng, giá cả, thời hạn giao hàng, thời hạn thanh toán, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên,…

  Điều khoản giải quyết tranh chấp thường được xem xét cuối cùng, luôn bị các bên tham gia hợp đồng coi nhẹ, không để ý hoặc nếu có thì chỉ xem xét qua loa. Vì tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bên thường không mong muốn, dự liệu hay không nghĩ đến tranh chấp sẽ phát sinh cũng như cách thức giải quyết tranh chấp. Bên bị vi phạm sẽ “tiền mất, tật mang” bởi không biết phải đi kiện ở đâu hoặc có đi kiện thì sẽ bị trả lại đơn kiện do không đủ điều kiện thụ lý.

3. Rủi ro đối tác không có khả năng thanh toán

  Nhiều trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng hóa, thực hiện đầy đủ dịch vụ nhưng bên đối tác còn lại không thực hiện thanh toán tiền theo thỏa thuận. Từ đó dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.

  Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ khó đòi xảy ra, một trong những rủi ro pháp lý đáng ngại cho cá nhân và doanh nghiệp.

4. Rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình

  Rủi ro dạng này thường xảy ra trong các trường hợp như:

–  Bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ mà mình có trách nhiệm phải thực hiện;

–  Bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng không phải nghĩa vụ các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng;

–  Bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng thực hiện không hết phần nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của mình.

5. Rủi ro trong quá trình xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh

Tài sản thế chấp, bảo lãnh không xác minh kĩ, không nắm được việc tài sản thế chấp, bão lãnh thuộc sở hữu của nhiều người, tài sản trong trong một vụ kiện tranh chấp,…

Từ những phân tích nêu trên, cho thấy chỉ cần một số lỗi nhỏ trong việc đưa ra các quy định, nội dung trong hợp đồng không chặt chẽ cũng dẫn đến nhiều rủi ro cho các bên khi tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro và đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho hợp đồng nói riêng và cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, quý khách vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại: 028.3636.4582/ 0932.103.586  để được hỗ trợ tư vấn.

Rất mong được hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng.

Kim Chi

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese