Chuyển nhượng cổ phần và thủ tục chuyển nhượng cổ phần

chuyển nhượng cổ phần

1. Chuyển nhượng cổ phần là gì

  Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp mà trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần khác nhau gọi là cổ phần. Công ty có số lượng cổ đông tối thiểu là ba và có tư cách pháp nhân.

  Khác với các loại hình công ty còn lại, công ty cổ phần được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn. Quyền chuyển nhượng cổ phần là một trong những quyền cơ bản của cổ đông trong công ty ( Điều 110, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2014).

1.1. Vốn của công ty cổ phần

  Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại).

  Như vậy có thể thấy, đây là loại hình doanh nghiệp duy nhất mà vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau.

  Trong khi đó, ở các loại hình doanh nghiệp khác, ví dụ như công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, vốn điều lệ của công ty không bắt buộc phải chia thành những phần bằng nhau.

  Vốn điều lệ của công ty được hình thành từ các phần vốn góp của các thành viên. Công ty cổ phần là loại hình công ty có khả năng huy động vốn lớn.

1.2. Các loại cổ phần trong công ty cổ phần

Theo Luật Doanh nghiệp 2014 quy định có hai loại cổ phần là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Riêng đối với cổ phần ưu đãi, như tên gọi của mình, sẽ có những ưu đãi nhất định so với cổ phần phổ thông. Theo đó, cổ phần ưu đãi có thể gồm các loại sau:

–  Cổ phần ưu đãi biểu quyết

–  Cổ phần ưu đãi cổ tức

–  Cổ phần ưu đãi hoàn lại

–  Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định

1.3. Khái niệm chuyển nhượng cổ phần

  Pháp luật Doanh nghiệp hiện hành vẫn chưa có định nghĩa về chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên thông qua các quy định của pháp luật có thể hiểu: chuyển nhượng cổ phần là việc một bên là cổ đông công ty và bên còn lại là các tổ chức, cá nhân và cổ đông công ty có nhu cầu tham gia góp vốn vào công ty hoặc mua thêm cổ phần thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tuân theo những điều kiện luật định mà không làm thay đổi vốn điều lệ của công ty.

chuyển nhượng cổ phần
Quy định của pháp luật về thủ tục chuyển nhượng cổ phần

  Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua thị trường chứng khoán.

  Đối với việc chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký.

1.4. Quyền chuyển nhượng cổ phần

  Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Trừ trường hợp bị hạn chế cổ phần sáng lập hoặc Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

  Trong thời hạn 3 năm đầu, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác.

  Việc chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập, bất kể người đó có phải là cổ đông của công ty hay không đều phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông.

  Trường hợp này cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không được quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó. Sau thời hạn 3 năm thì những ràng buộc trên được tự động bãi bỏ.

  Các hạn chế đối với cổ đông và cổ phần sáng lập này không được áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có được sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của Công ty (khoản 4 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014).

  Trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

  Với quy định này có thể hiểu rằng, nếu Điều lệ công ty dù đã quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần nhưng cổ phiếu thể hiện dưới hình thức chứng chỉ không “nêu rõ” điều đó hoặc cổ phiếu thể hiện dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử thì cũng không có giá trị hạn chế chuyển nhượng. Hết thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cổ đông sáng lập đương nhiên trở thành cổ đông phổ thông và cổ phần sáng lập đương nhiên trở thành cổ phần phổ thông.

  Đối với cổ đông phổ thông: công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông và người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

  Cổ đông phổ thông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. 

2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần

  Thủ tục chuyển nhượng cổ phần bao gồm: thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập và thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông phổ thông.

2.1. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần đối với cổ đông sáng lập

  Thủ tục chuyển nhượng cổ phần phải thông báo với sở kế hoạch đầu tư được thực hiện theo các bước sau:

  Bước 1: Doanh nghiệp soạn hồ sơ chuyển nhượng và thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần sau đó nộp hồ sơ tại sở kế hoạch đầu tư.

  Thành phần hồ sơ bao gồm:

–  Thông báo thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp;

–  Biên bản họp đại hội đồng cổ đông;

–  Quyết định của đại hội đồng cổ đông;

–  Thông báo lập sổ đăng ký cổ đông;

–  Danh sách cổ đông sáng lập sau thay đổi;

–  Giấy CMND còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân người nhận chuyển nhượng;

–  Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy chứng nhận ĐKDN đối với tổ chức nhận chuyển nhượng (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức;

–  Hợp đồng chuyển nhượng, Biên bản thanh lý hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất;

–  Quyết định góp vốn của tổ chức nhận chuyển nhượng;

–  Giấy uỷ quyền hoặc giấy giới thiệu cho người nộp hồ sơ;

–  Chứng minh thư hoặc hộ chiếu công chứng của người nộp hồ sơ.

  Sau khi hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ tại sở kế hoạch và đầu tư.

  Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh phải cấp giấy xác nhận thay đổi hoặc thông báo rõ nội dung hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho doanh nghiệp.

  Bước 2: Công bố thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp

  Sau khi Công ty có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, doanh nghiệp phải  làm thủ tục công bố thông tin tại sở kế hoạch đầu tư.

2.2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần đối với cổ đông phổ thông

  Cổ đông phổ thông trong công ty cổ phần muốn chuyển nhượng cổ phần phải trải qua 4 bước sau đây:

Bước 1: Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Bước 2: Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

Bước 3: Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.

Bước 4: Tiến hành đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có).

2.3.  Lưu ý khi chuyển nhượng cổ phần

  Thứ nhất, bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi thông tin của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào Sổ đăng ký cổ đông;

  Thứ hai, cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được ghi đầy đủ, ghi đúng vào Sổ đăng ký cổ đông. Kể từ thời điểm đó người mua cổ phần trở thành cổ đông công ty; 

  Thứ ba, việc chuyển nhượng cổ phần phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ chuyển vốn là khoản thu cá nhân được nhận từ chuyển nhượng chứng khoán. Bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, tại Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán là 0.1%. Việc khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán được thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư 92/2015/TT-BTC.

  Như vậy, việc chuyển nhượng cổ phần đối với cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông được thực hiện theo các bước trên.

  Tuy nhiên, hiện nay Luật doanh nghiệp 2014 không định nghĩa cụ thể thế nào là chuyển nhượng cổ phần. Đồng thời cả Luật doanh nghiệp 2014 và Luật chứng khoán 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2010 đều không phân biệt rạch ròi giữa chuyển nhượng cổ phần và mua bán cổ phần, cổ phiếu nên thường gây nhầm lẫn trên thực tế.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese