Những biện pháp nhằm kiểm soát rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa
Về nguyên tắc, để loại trừ, kiểm soát các rủi ro trong quá tình giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa thì các bên cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định của pháp luật về hợp đồng và các quy định có liên quan đến giao dịch khi ký kết, thực hiện hợp đồng. Việc làm này rất cần thiết bởi lẽ nó đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng.
Nội dung thỏa thuận luôn đúng pháp luật sẽ đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng và hạn chế được những rủi ro do hợp đồng trái pháp luật gây ra.
Việc tìm hiểu kỹ pháp luật sẽ cho phép quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng luôn thận trọng, chính xác, đạt độ chuẩn xác cao. Như vậy sẽ có thể loại trừ được việc lợi dụng các sơ hở của bên đối tác để vi phạm hợp đồng.
Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ toàn diện các quy định của pháp luật về hợp đồng và có liên quan đến lĩnh vực mà mình tham gia giao dịch là điều cần làm đầu tiên, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
1. Kiểm soát những rủi ro về hợp đồng vô hiệu
a) Kiểm tra đối tượng hợp đồng và chức năng kinh doanh của đối tác
Cần kiểm tra xem bên đối tác có chức năng sản xuất, kinh doanh,.. trong lĩnh vực của giao dịch không.
Nếu không thì cần bổ sung lĩnh vực đó vào đăng ký kinh doanh trước khi tiến hành giao kết hợp đồng.
Việc kiểm tra này sẽ tránh được rủi ro đối tượng hợp đồng thuộc trường hợp bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh hoặc được phép kinh doanh nhưng lại không thuộc chức năng kinh doanh của đối tác, dẫn đến hợp đồng vô hiệu.
b) Kiểm tra tư cách chủ thể ký kết hợp đồng
Đối với chủ thể ký kết hợp đồng, những người tham gia ký kết hợp đồng phải đảm bảo đủ tư cách như: đủ độ tuổi luật định, đủ năng lực hành vi.
Trong trường hợp đại diện để ký kết hợp đồng mà không phải là đại diện theo pháp luật thì phải có giấy ủy quyền hợp lệ.
Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thì hầu hết các chủ thể là pháp nhân. Do đó, việc ký kết hợp đồng phải do người đứng đầu hay người đại diện hợp pháp của pháp nhân ký kết hoặc đại diện do người đứng đầu pháp nhân đó ủy quyền thay mặt ký kết.
Chỉ có ký kết hợp đồng đúng chủ thể thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành. Nên, trước khi ký kết hợp đồng cần phải yêu cầu phía đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, những tài liệu chứng minh đối tác có đầy đủ năng lực giao kết hợp đồng để kiểm tra và trả lời những câu hỏi sau:
– Người ký kết hợp đồng phía đối tác có phải người đại diện theo pháp luật không;
– Nếu người ký kết hợp đồng phía đối tác là người đại diện theo pháp luật rồi thì hợp đồng này có vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật không, hay cần phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên (CTTNNH) hay Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông (CTCP);
– Nếu người ký kết hợp đồng phía đối tác không phải là người đại diện theo pháp luật thì người đó có ủy quyền hợp pháp từ người có thẩm quyền hay không, phạm vi ủy quyền có rõ ràng và có vượt quá phạm vi ủy quyền hay không.
Do đó, để phòng tránh những rủi ro sau này, một trong những điều quan trọng nhất là cần phải kiểm tra về thẩm quyền của người ký kết hợp đồng của bên đối tác. Tránh trường hợp hợp đồng vô hiệu do người ký hợp đồng của bên đối tác không có thẩm quyền ký hoặc ký vượt quá thẩm quyền.
c) Kiểm tra mục đích và nội dung của hợp đồng
Hợp đồng mà có nội dung hoặc mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Nhiều trường hợp hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ. Điều này làm cho bên mua hoặc bên bán phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề. Chẳng hạn, tài sản giao dịch có thể bị tịch thu, không thu hồi được vốn, không được pháp luật bảo hộ,…
Vì vậy, để tránh rủi ro sau này, ngay khi soạn thảo hợp đồng và chuẩn bị ký kết, cần phải hiểu rõ mục đích và nội dung của hợp đồng. Tránh trường hợp ký kết một hợp đồng mà mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội. Đồng thời, rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan đến đối tượng hợp đồng.
d) Kiểm tra quy định về hình thức của hợp đồng
Hậu quả của việc không tuân thủ yêu cầu về hình thức có thể khiến cho hợp đồng bị vô hiệu hoặc không thể thi hành.
Do đó, về hình thức khi soạn thảo hợp đồng phải được soạn thảo đúng pháp luật. Những hợp đồng nào được pháp luật quy định lập thành văn bản thì phải tuân thủ. Nếu có đăng ký hoặc công chứng, chứng thực thì không bao giờ được bỏ qua. Việc bảo đảm về hình thức của hợp đồng cũng như đảm bảo chủ thể ký kết hợp đồng sẽ loại trừ đáng kể những rủi ro không đáng có.
2. Kiểm soát kỹ các điều khoản trong hợp đồng
a) Kiểm soát điều khoản mô tả về đối tượng trong hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng mô tả chi tiết nhất, cụ thể nhất và rõ ràng về yêu cầu đối với đối tượng hợp đồng như: chất lượng hàng hóa, điều kiện được từ chối nhận hàng hóa,…
Việc quy định càng rõ ràng, chi tiết các vấn đề yêu cầu đối với đối tượng hợp đồng sẽ tránh được những rủi ro hợp đồng bị vô hiệu do không xác định được cụ thể hoặc do nhầm lẫn đối tượng hợp đồng và hạn chế xảy ra tranh chấp liên quan đến những yêu cầu nêu trên.
b) Kiểm soát điều khoản về bất khả kháng
Hợp đồng nên có thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng. Trong đó định nghĩa thế nào là bất khả kháng, nghĩa vụ của bên không thực hiện hợp đồng do bất khả kháng và hậu quả từ sự kiện bất khả kháng.
Điều khoản này là cần thiết bởi sự kiện bất khả kháng là nằm ngoài phạm vi kiểm soát, tiên đoán của các bên.
Đồng thời, khi soạn thảo điều khoản về bất khả kháng, các bên tốt nhất cũng nên liệt kê các trường hợp nào sẽ không được xem là trường hợp bất khả kháng.
Chẳng hạn, tình hình thị trường thay đổi dẫn đến khan hiếm nguồn hàng, giá tăng đột ngột do sự biến động của thị trường,…
Việc quy định như vậy sẽ tránh được các trường hợp các bên sau này viện cớ vào những sự kiện trên để không thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng.
c) Kiểm soát về điều khoản giải quyết tranh chấp
Các bên nên quy định đầy đủ, rõ ràng về điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Tránh trường hợp những thỏa thuận đó bị vô hiệu, ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp theo ý chí ban đầu của các bên.
3. Kiểm soát những rủi ro về khả năng tài chính của đối tác
Có nhiều cách để có thể kiểm soát những rủi ro về khả năng tài chính của đối tác như sau:
– Kiểm tra báo cáo tài chính hằng năm của đối tác;
– Kiểm tra thông tin về đối tác từ nhiều nguồn;
– Thực nghiệm kiểm tra đối tác;
– Yêu cầu phía đối tác thực hiện các biện pháp đảm bảo như: cung cấp bảo lãnh của ngân hàng hay thế chấp tài sản đảm bảo thực hiện hợp đồng,..
Pháp luật dân sự, thương mại quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng gồm: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký quỹ,…
Tùy theo từng nội dung của giao dịch mà người tham gia giao kết hợp đồng xem xét nên đưa hình thức bảo đảm nào cho phù hợp. Không phải giao dịch nào cũng giống nhau và áp dụng hình thức đảm bảo giống nhau.
Các biện pháp bảo đảm này có tính ràng buộc bên đối tác để tạo sự tin tưởng và độ an toàn khi giao dịch. Các biện pháp này nhìn chung là hiệu quả cao, ít xảy ra rủi ro nên thường được áp dụng phổ biến để phòng ngừa rủi ro khi các bên vi phạm hợp đồng.
4. Kiểm soát những rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ
Để kiểm soát những rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, không thực hiện hợp đồng, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ của mình thì cần phải nâng cao cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Theo đó, trong hợp đồng vẫn phải có nội dung thỏa thuận các vấn đề sau:
– Thỏa thuận về phạt vi phạm và áp dụng mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa có thể;
– Bên cạnh thỏa thuận về phạt vi phạm thì cũng cần thỏa thuận về bồi thường thiệt hại;
– Thỏa thuận về phạt cọc vi phạm hợp đồng, xử lý tài sản đảm bảo.
5. Kiểm soát những rủi ro do đối tác không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng
Nhất thiết phải tìm hiểu kỹ đối tác mà mình đang dự định sẽ ký kết hợp đồng. Không chỉ lần đầu làm ăn với nhau mới tìm hiểu kỹ mà cả những lần hợp tác tiếp theo thì cũng thường xuyên xem xét lại khả năng, điều kiện và những thay đổi của phía đối tác một cách cụ thể thông qua những nguồn thông tin mà bạn tin cậy.
Việc tìm hiểu kỹ đối tác sẽ cho phép bạn đánh giá được khả năng, sự tín nhiệm, những hạn chế của đối tác. Từ đó, bạn sẽ có những lựa chọn cần thiết là có nên hợp tác hay ký kết hợp đồng với họ hay không?
Việc làm này là hoàn toàn cần thiết nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có.
6. Kiểm soát những rủi ro trong quá trình xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh
Để kiểm soát những rủi ro trong quá trình xử lý tài sản thế chấp bảo lãnh thì cần phải:
– Kiểm tra xác minh kỹ càng nguồn gốc, xuất xứ, quyền sở hữu của tài sản được dùng để bảo lãnh, thế chấp, đặc biệt với tài sản là bất động sản;
– Kiểm tra tình trạng của tài sản dùng để bảo lãnh, thế chấp, xem có đang dùng để bảo lãnh thế chấp tại ngân hàng nào hay không,…;
– Khi nhận tài sản bảo lãnh, thế chấp là bất động sản, lập hợp đồng bảo lãnh, thế chấp có công chứng, sau đó đăng ký giao dịch đảm bảo;
– Nên có cơ chế kiểm tra, giám sát tình trạng sử dụng của tài sản nếu không quản lý trực tiếp.
7. Kiểm soát kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi ký kết
Về mặt ngôn ngữ văn phong trong hợp đồng thực hiện cho thấy, chỉ cần “sai một ly, đi một dặm”. Rất nhiều trường hợp do ngôn ngữ, cách hành văn trong hợp đồng chưa chuẩn đã gây ra những hậu quả không nhỏ.
Nguyên tắc khi soạn thảo văn bản phải đảm bảo ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu, không có hàm ý, nhiều nghĩa gây ra hiểu lầm.
Tức, hợp đồng phải được soạn sao cho có thể hiểu được mục đích của các bên trong hợp đồng. Bên thứ ba khi đọc hợp đồng cũng sẽ hiểu đúng mục đích như vậy.
Để đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho hợp đồng nói riêng và cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, quý khách vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại: 028.3636.4582/ 0932.103.586 để được tư vấn hỗ trợ.
Rất mong được hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng.
Kim Chi