Luận bàn về hiến pháp

  Hiến pháp (Constitution) có lẽ là một trong những thuật ngữ pháp lý được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc sống thường nhật của mọi quốc gia.

  Tại Việt Nam, chúng ta thường nghe đến khẩu hiệu như “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Những lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp thực sự trở thành sự kiện lớn của đất nước thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân. Vậy, Hiến pháp là gì và tại sao nó lại chiếm một vị trí quan trọng đến như vậy?

luan-ban-ve-hien-phap
Bàn luận về hiến pháp

Đi tìm một định nghĩa về Hiến pháp

  Theo từ điển Merriam-Webster1: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một nhà nước. Trong đó quy định quyền, nghĩa vụ của chính quyền và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân (the basic principles and laws of a nation, state, or social group that determine the powers and duties of the government and guarantee certain rights to the people in it).

  Theo Wikipedia2: Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Nhiều hiến pháp cũng bảo đảm các quyền nhất định của nhân dân.

  Qua hai định nghĩa trên chúng ta có thể nhận thấy trong hệ thống pháp luật của quốc gia, Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Vì sao Hiến pháp lại cần thiết đối với mọi nhà nước?

  Có thể nhận thấy rằng Hiến pháp như một bản Khế ước xã hội (Social contract). Bởi nó là kết quả của sự thỏa hiệp, nhượng bộ của các cá nhân trong một xã hội. Để có thể chung sống một cách hài hòa, bình đẳng với nhau, mỗi người đã tự nguyện dành một phần quyền của mình thiết lập một bản khế ước chung để rồi có được sự che chở của xã hội đại diện bởi luật pháp. Chúng ta hãy thử hình dung một xã hội mà không được điều chỉnh bởi những nguyên tắc nhất định sẽ trở nên hỗn độn và bất ổn biết chừng nào. Ngày nay, sự hiện diện của Hiến pháp như một điều tất yếu của một nhà nước dân chủ. Cụ thể, Hiến pháp thể hiện tính chính danh của nhà nước, bảo đảm mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Vì Hiến pháp thông thường chỉ có thể được thông qua với sự chấp thuận của nhân dân. Quan điểm này từng được thể hiện bởi Abraham Lincoln3: Một chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ không bao giờ bị tiêu vong (The Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the Earth).

quốc hội luận bàn về hiến pháp
Quốc hội luận bàn về hiến pháp

Các hình thức biểu hiện của Hiến pháp

  Có hai loại Hiến pháp đó là: Hiến pháp thành văn (written constitution) và Hiến pháp không thành văn (unwritten constitution). Hiến pháp thành văn được lập thành văn bản và được tuyên bố là luật cơ bản của nhà nước. Trong khi đó Hiến pháp không thành văn là tập hợp các quy phạm, tư tưởng phản ánh các giá trị cốt lõi được thể hiện trong một số đạo luật, văn bản chính trị. Các quy phạm, tập quán này được coi như là các quy tắc mang tính hiến pháp, cho dù chúng không được cấu thành một văn bản riêng. Căn cứ vào thủ tục sửa đổi, Hiến pháp được chia làm hai loại Hiến pháp cứng (rigid constitution) và Hiến pháp mềm dẻo (flexible constitution). Trong đó Hiến pháp cứng đòi hỏi những thủ thục, quy trình đặc biệt khi sửa đổi (vd Hiến pháp Mỹ). Trái lại Hiến pháp mềm dẻo thì có thể sửa đổi theo thủ tục lập pháp thông thường của Quốc hội (vd Hiến pháp Việt Nam).

Hiến pháp và đặc tính tối thượng của nó  

  Với tư cách là đạo luật cơ bản, mang một nội hàm phong phú, Hiến pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm tính ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội. Do vậy, nó xứng đáng với sự tôn trọng của nhà nước, và mọi tầng lớp nhân dân. Thêm vào đó, Hiến pháp được coi là đạo luật gốc của quốc gia, là nền tảng để xây dựng các đạo luật thông thường. Vậy nên, mọi đạo luật thông thường khác đều nhằm cụ thể hóa các chế định, quy phạm của Hiến pháp, trái với điều này sẽ dẫn đến việc vi hiến (unconstitutional).

  Theo Từ điển tiếng Việt thì “tối thượng” được hiểu là một điều gì đó cao nhất, có tác dụng chi phối tất cả. Nhìn vào vai trò và tầm quan trọng của Hiến pháp thì nó chính là một văn bản luật trên tất cả. Nó là sự hội tụ của ý chí tập thể mang một giá trị thiêng liêng đối với bất cứ quốc gia nào. Không một cá nhân, tổ chức nào có thể đứng trên Hiến pháp và dùng Hiến pháp để chống lại nhân dân bởi chính nhân dân là chủ thể đã tự nguyện trao một phần quyền của mình góp phần tạo nên Hiến pháp. Theo quan điểm của Patrick Henry4: “Hiến pháp không phải là một công cụ của chính phủ để đàn áp nhân dân, mà là một công cụ để nhân dân kiềm chế chính phủ”. Đề cập đến Hiến pháp chúng ta có thể hình dung đó là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp được lập ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải ban quyền cho người dân. Bởi vì người có khả năng vi phạm hiến pháp thường không phải nhân dân mà là các cơ quan có thể sử dụng quyền lực công.

  Bản Hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta được Quốc hội khóa I thông qua vào ngày 09/11/1946. Bản Hiến pháp này đã phản ánh đúng tinh thần pháp quyền, và được đặt cao hơn nhà nước. Cụ thể tại Điểm c Điều 70 Hiến pháp 1946 quy định Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: “c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

  Hiến pháp Mỹ được soạn thảo năm 1787 được cho là bản hiến pháp lâu đời và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi có hiệu lực năm 1789, nó đã được tham khảo nhiều lần để làm mô hình cho các hiến pháp của những quốc gia khác.  William Ewart Gladstone5 đã miêu tả Hiến pháp này là “Tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”. Vì sao lại có điều này? Thực tế chúng ta có thể thấy rằng tại thời điểm soạn thảo Hiến pháp Mỹ, các nhà soạn thảo đã quy định hiến pháp là bộ luật tối cao của đất nước, đặt quyền người dân trên hết, và quyền hạn của chính phủ được người dân ủy nhiệm. Theo nghi thức truyền thống của nước Mỹ, trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống đắc cử phải đọc chính xác lời tuyên thệ theo quy định tại Điều 2, Mục I Hiến pháp Mỹ: Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ (I do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my Ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States)6.

  Xét về Hiến pháp trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tế, chúng ta đều phải nhất trí về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của nó. Do vậy, vấn đề tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp sẽ luôn là vấn đề mang tính thời sự và thiết thực nhất đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Vũ Khỏe

1 Từ điển Merriam-Webster được xuất bản năm 1828 tại Mỹ;

2 Bách khoa toàn thư mở;

3 Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ;

4 Nhà sáng lập nước Mỹ;

5 Thủ tướng Vương quốc Anh (1809 – 1898);

6 Điều 2, Mục I Hiến pháp Mỹ 1787.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese