Theo thông tin ban đầu, vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông (nhà máy Rạng Đông) xảy ra ở kho compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn và một số kho xưởng nhỏ khác.
Ngay sau khi đám cháy diễn ra, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng di chuyển tài sản cùng các hộ dân sinh sống ở gần đó ra khỏi khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi đám cháy.
Đây là một vụ cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù, vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn. Không chỉ thế, nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng đặc biệt cao.
Theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2014, tổ chức gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực;
Trong khi đó, Điều 13 của Nghị định 03/2015/NĐ-CP cũng quy định tổ chức làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra.
Căn cứ vào quy định trên, nhà máy Rạng Đông có thể sẽ phải chi trả các chi phí ngăn chặn và hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như bồi thường thiệt hại về việc làm ô nhiễm môi trường.
Trách nhiệm bồi thường vụ cháy nhà máy Rạng Đông
Được biết, ngay sau khi vụ cháy nổ diễn ra, vì lo lắng vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường, rất nhiều người sinh sống gần khu vực vụ cháy đã đi khám sức khỏe, di chuyển gia đình đến nơi khác sinh sống…
Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả không có lỗi.
Như vậy, nhà máy Rạng Đông dù có lỗi hay không nhưng nếu vụ cháy làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tài sản… của người dân xung quanh nhà máy thì đều có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Do đó, người dân ở khu vực cạnh nơi xảy ra vụ cháy có thể yêu cầu công ty Rạng Đông bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị…
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và phương thức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được, người dân có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Lưu ý: Vì vụ việc rất nghiêm trọng và có phạm vi lớn nên việc xác định mức độ thiệt hại vô cùng khó khăn; Do đó, để có căn cứ đòi bồi thường, người dân phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ về việc khám chữa bệnh, thu nhập thực tế bị ảnh hưởng…
Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra và làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng này. Việc xác định nguyên nhân cũng như người gây ra vụ cháy sẽ là căn cứ để quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức.
Nguồn: VITIC/luatvietnam.vn