X

Thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự

  Khởi kiện vụ án dân sự là cách thức để chủ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

  Việc khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được pháp luật cho phép trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian này được gọi là thời hạn. Khi hết thời gian đó, chủ thể không còn quyền khởi kiện. Thời hạn được pháp luật quy định này gọi là thời hiệu khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

  Thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp của Tòa án. Đồng thời đây là một tiền tố mà người khởi kiện cần biết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1. Khái niệm thời hiệu khởi kiện

  Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

2. Đặc điểm thời hiệu khởi kiện

  Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

  Trong một số trường hợp, vì những lý do khách quan mà chủ thể khởi kiện không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình trong thời hạn mà pháp luật quy định thì khoảng thời gian xuất hiện lý do khách quan đó không được tính vào thời hiệu khởi kiện. Cụ thể:

–  (i) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu;

–  (ii) Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

–  (iii) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

  Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không áp dụng trong những trường hợp sau đây:

–  (i)Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;

–  (ii) Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;

–  (iii)Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai; 

–  (iv) Trường hợp khác do luật quy định.

  Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

–  (i) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

–  (ii) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

–  (iii) Các bên đã tự hòa giải với nhau. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện trên.

  Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 quy định một trong những trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện là “thời hiệu khởi kiện đã hết”. Đến Bộ luật TTDS năm 2011 sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTDS năm 2004, quy định này đã bị bãi bỏ.

  Tuy nhiên, lí do “thời hiệu khởi kiện đã hết” lại được quy định là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Việc cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn yêu cầu về thời hiệu làm cho một bên mất quyền khởi kiện khi bên còn lại không có yêu cầu. Dường như đi ngược lại với tinh thần của nguyên tắc quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự được ghi nhận tại Điều 5 Bộ luật này. Làm cho người dân mất đi cơ hội được bảo đảm công lý và thể hiện sự can thiệp quá sâu của cơ quan tố tụng vào các vấn đề về dân sự. Đồng thời, không phù hợp với xu hướng chung của pháp luật dân sự các nước trên thế giới.

  Nhận thức điểm bất cập đó, Bộ luật TTDS năm 2015 đã có một trong những thay đổi rất lớn trong quy định về thời hiệu khởi kiện trong dân sự. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên. Với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

  Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu. Trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

  Theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015, việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực khi một bên hoặc các bên có yêu cầu và cơ quan tố tụng không được tự viện dẫn việc hết thời hiệu để từ chối quyền yêu cầu của một bên. Đồng thời cũng chỉ cho phép đương sự viện dẫn quy định về hết thời hiệu ở giai đoạn sơ thẩm. Nên nếu đương sự không yêu cầu áp dụng các quy định về thời hiệu ở cấp sơ thẩm thì không được viện dẫn việc hết thời hiệu ở cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm.

  Quy định này nhằm tránh tình trạng biết hết thời hiệu nhưng một bên không nói ra ở cấp sơ thẩm mà chờ nếu bị tuyên thua kiện mới viện dẫn hết thời hiệu để làm căn cứ yêu cầu hủy kết quả xét xử (yêu cầu phúc thẩm, giám đốc thẩm).

  Sự thay đổi về quy định áp dụng thời hiệu của Bộ Luật TTDS năm 2015 đã bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Bảo đảm quyền tự quyết trong dân sự và phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới như: Bỉ, Lúc-xăm-bua, Ý, Tây Ban Nha; Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng (chỉ cho phép bên có nghĩa vụ của hợp đồng được viện dẫn việc hết thời hiệu); Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ, quy định tại Khoản 1 Điều 10.9).

3. Thời hiệu khởi kiện trong những trường hợp cụ thể

3.1  Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về kinh doanh thương mại

  Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này (Điều 319, Luật thương mại 2005).

  Tranh chấp về kinh doanh thương mại chủ yếu là tranh chấp giữa các thương nhân với nhau trên cơ sở hợp đồng kinh tế. Thời hiệu khởi kiện sẽ được tính kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của một trong các bên bị xâm phạm.

  Căn cứ để xác định thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của một trong các bên bị xâm phạm chính là các điều khoản trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật trong trường hợp không có thỏa thuận.

  Tranh chấp về kinh doanh thương mại cũng có thể xuất hiện giữa cá nhân, tổ chức (không có mục đích sinh lời) với thương nhân trong trường hợp bên cá nhân, tổ chức lựa chọn Luật thương mại để áp dụng. Lúc này, thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của một trong các bên bị xâm phạm.

3.2 Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về đất đai

  Đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai thì không áp dụng thời hiệu.

3.3 Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về lao động

  Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động

3.4 Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về bồi thường thiệt hại

  Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà khi người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

  Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

3.5 Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về thừa kế

  Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

  Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

  Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3.6 Thời hiệu khởi kiện tranh chấp dân sự

  Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

3.7 Thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

  Thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà pháp luật nước đó áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tương ứng. Việc áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết sẽ theo các quy tắc xác định của tư pháp quốc tế.

  Trên đây là quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Đức Phương

Sharing is caring!