X

Độc lập xét xử – Một nhu cầu tất yếu

“Không có con đê pháp luật án ngữ thì tự do chỉ là một dòng sông phá hoại” J.b.Say

  Có thể đưa ra nhận định rằng luật pháp trong mọi thời đại luôn là một trong những cứu cánh đối với mỗi quốc gia, là phương thức để bảo đảm sự ổn định và bảo vệ công lý. Ý chí chung của tất cả thành viên trong một xã hội văn minh tạo nên luật pháp, nhưng tự luật pháp không thể hiện thực hóa được sức mạnh của nó. Mà nó phải nhờ đến một thiết chế được coi là thành lũy cuối cùng bảo vệ công lý2 đó là Tòa án, với một phương châm rất thiết thực “Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực, quyền lực không dựa vào công lý thì tàn bạo”

  Quyền lực mà người viết đề cập phần trên là hệ quả từ những phán quyết của Tòa án. Vì vậy, chúng ta hiểu rằng để có được những phán quyết công bằng hợp pháp thì vấn đề độc lập trong việc xét xử của Tòa án phải là yếu tố tiên quyết. “Độc lập” theo từ điển Tiếng Việt nghĩa là tự mình tồn tại, hoạt động, không nương tựa hoặc phụ thuộc vào ai, vào cái gì khác. Bởi thế cho nên trong hoạt động xét xử, yêu cầu về sự độc lập sẽ là căn cứ đảm bảo cho tính khách quan, vô tư và lẽ công bằng.

Tòa án nhân dân – độc lập xét xử

  Cơ sở pháp lý của nguyên tắc độc lập xét xử tại Việt Nam

  Trước tiên, nguyên tắc trên là một trong số ít nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến Pháp Việt Nam. Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

  Điều 23 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 với quy định:

  “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

  Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.

  Điều 12 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định như sau:

  “1. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

  2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, việc giải quyết việc dân sự của Thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào”.

  Điều 9 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định:

  “1. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

  2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

  Điểm qua các căn cứ pháp lý nêu trên, chúng ta có thể thấy pháp luật Việt Nam khá coi trọng vấn đề độc lập xét xử của Tòa án, từng bước theo xu thế chung của pháp luật thế giới. Bởi nhiều nước phát triển từ lâu đã coi nguyên tắc độc lập của tòa án là một trong những nguyên tắc cốt lõi cho việc bảo vệ công lý như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…vv. Năm 1748, Montesquieu4 đã đề cập đến mô hình tam quyền phân lập (sự phân quyền của Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp – the Separation of powers) trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” của mình, ông khẳng định rằng để đảm bảo sự tự do thì 3 cơ quan này phải hoạt động độc lập theo cơ chế cân bằng, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau (checks and balances).

Phiên tòa độc lập xét xử

  Vậy, nội dung căn bản về sự độc lập xét xử của Tòa án gồm những gì?

  Thứ nhất, trong xét xử Tòa án phải độc lập với các cơ quan khác. Tòa án là cơ quan độc lập để nhân danh Nhà nước bảo vệ pháp luật cho nên không thể bị áp lực từ phía các cơ quan khác ngay cả cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng bởi luật pháp có tính áp dụng chung, mọi cá nhân, tổ chức đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật. Kim chỉ nam duy nhất để Tòa án căn cứ khi xét xử là các quy định của pháp luật, luôn luôn theo tôn chỉ “Thượng tôn pháp luật”.

  Thứ hai, Tòa án phải độc lập với cơ quan Tòa án cấp trên. Mặc dù về mặt tổ chức thì tòa án địa phương phải chịu sự quản lý của Tòa án nhân dân tối cao, nhưng về mặt xét xử thì tòa cấp dưới phải hoàn toàn độc lập với tòa cấp trên tránh việc chỉ đạo án, chưa xử đã biết nội dung bản án ..vv

  Thứ ba, thành viên của Hội đồng xét xử phải độc lập với nhau. Tầm quan trọng của nguyên tắc này được hiến định tại Khoản 2 và 4 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 như sau: “2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; 4. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số”. Sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm ở đây mới đảm bảo được tính khách quan của bản án, bởi họ là những cá nhân riêng biệt có suy nghĩ và chính kiến của riêng mình dù đó là ý kiến thiểu số hay đa số thì đều được ghi nhận. Việc áp dụng nguyên tắc trên sẽ tránh được sự độc đoán, áp đặt đảm bảo cho phán quyết chung mang tính hợp pháp, có căn cứ. Có lẽ đây chính là ý nghĩa căn bản cho vấn đề có sự tham gia của Hội thẩm trong Hội đồng xét xử.

  Có thể tạm kết với một nhận định rằng “Pháp luật phải giống như cái chết không khoan dung bất kỳ ai” 6 và để hiện thực điều này thì chúng ta phải đặt nguyên tắc độc lập của Tòa án vào đúng vị trí của nó, mọi sự ngụy biện, làm sai lệch nguyên tắc này sẽ là rào cản trong vấn đề cải cách tư pháp, sẽ là bước thụt lùi so với văn minh nhân loại. Người viết chợt nhớ đến biểu tượng đẹp về Nữ thần công lý7 (Lady justice) với: một tay cầm cân – tượng trưng cho sự suy xét cẩn trọng, công bằng; một tay cầm thanh kiếm – tượng trưng cho sức mạnh cưỡng chế; và một dải băng bịt kín đôi mắt – tượng trưng cho sự vô tư, không bị tác động bởi ngoại cảnh.

  Trên đây là những chia sẻ của Luật Minh Tín về độc lập xét xử. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc có kiến thức và hiểu thêm về vấn đề độc lập xét xử.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Vũ Khỏe

1 Nhà kinh tế chính trị Mỹ;

2 Lời của người viết;

3 Câu nói của Pascal- Nhà toán học, vật lý, triết gia người Pháp (1623-1662);

4 Montesquieu- Nhà tư tưởng chính trị người Pháp (1689-1755);

5 Nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật;

6 Như số 4;

7 Nhân vật nữ được cách điệu trong thần thoại Hy Lạp- biểu tượng cho công lý.

Sharing is caring!