Giải quyết vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại – một số vướng mắc trong thực tiễn.

ls ke dinh viet

Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được quy định trong Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Đây là một loại án có tính chất đặc thù, việc giải quyết các vụ án này ngoài việc phải tuân thủ các quy định chung của BLTTHS còn phải tuân thủ một số quy định riêng. Thực tiễn xét xử của Tòa án cho thấy, quá trình giải quyết vụ đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến sự nhận thức cũng như áp dụng pháp luật chưa thống nhất, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng xét xử.1.  Một số vướng mắc, bất cập
1.1. Hồ sơ vụ án không có yêu cầu khởi tố của người bị hại
Theo quy định tại Khoản1, Điều 105 BLTTHS thì có 11 trường hợp cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thanh niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Đó là các vụ án về các tội phạm được quy định tại Khoản 1 các Điều 104; 105; 106; 108; 109; 111; 113; 121; 122; 171. Do vậy khi giải quyết vụ án, Thẩm phán phải nghiên cứu xem vụ án mà Viện kiểm sát truy tố có thuộc các trường hợp đã nêu không, nếu có thì phải kiểm tra xem hồ sơ có yêu cầu khởi tố hay không, tính pháp lý của yêu cầu khởi tố cũng như quyết định khởi tố. Trường hợp hồ sơ không có yêu cầu khởi tố của người bị hại (hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) thì vụ án cần được giải quyết như thế nào? Hiện nay có 03 quan điểm về vấn đề trên.
Thứ nhất, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án vì vụ án không có yêu cầu khởi tố của người bị hại nên không đặt ra giải quyết theo quy định của Khoản 1 Điều 105 BLTTHS.
Thứ hai, Thẩm phán triệu tập người bị hại và làm rõ xem họ có yêu cầu khởi tố vụ án hay không, nếu có thì tiếp tục giải quyết, còn nếu không thì đình chỉ vụ án.
Thứ ba, Thẩm phán phải ra quyết định trả hồ sơ bổ sung.

1.2  Yêu cầu khởi tố vụ án có sau khi vụ án đã được khởi tố
Thông thường, khi một hành vi có dấu hiệu là tội phạm xảy ra, các cơ quan tố tụng chưa xác định được ngay hậu quả chính xác của hành vi và lúc này vẫn chưa có yêu cầu của người bị hại nhưng để đảm bảo cho quá trình điều tra vụ án được kịp thời, thuận lợi nên cơ quan có thẩm quyền vẫn ra quyết định khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Sau đó, khi đã xác định được hậu quả của hành vi và thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, cơ quan điều tra triệu tập người bị hại và hướng dẫn họ yêu cầu khởi tố vụ án. Do vậy, dẫn tới có trường hợp yêu cầu khởi tố vụ án có sau khi đã khởi tố vụ án. Việc giải quyết vụ án trên có 02 quan điểm.
Thứ nhất, tiếp tục giải quyết vụ án như trường hợp yêu cầu khởi tố vụ án có trước khi khởi tố vụ án.
Thứ hai, cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

1.3. Trước khi mở phiên tòa phát hiện bị can chỉ phạm tội (hoặc khung hình phạt) truy tố và thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại
Trong một số trường hợp, cơ quan điều tra xác định hành vi của bị can là nghiêm trọng nên khởi tố vụ án mà không cần phải có yêu cầu của người bị hại; nhưng khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán lại nhận thấy bị can chỉ phạm tội (khung) nhẹ hơn tội (khung) đã bị khởi tố, truy tố và tội (khung) phải có yêu cầu của người bị hại thì mới được khởi tố vụ án. Việc giải quyết vụ việc trên có 02 quan điểm.
Thứ nhất, Thẩm phán triệu tập người bị hại và làm rõ họ có yêu cầu khởi tố vụ án không, nếu có thì tiếp tục giải quyết, còn nếu không thì trả hồ sơ hoặc đình chỉ vụ án.
Thứ hai, vẫn phải mở phiên tòa để xác định hành vi của bị can phạm tội (khung) nào trong quá trình nghị án, khi đó mới xem xét đến vấn đề có yêu cầu khởi tố hay không để quyết định.
Thứ ba, cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung ngay mà không cần hỏi ý kiến của người bị hại.

1.4. Trường hợp người bị hại rút đơn khởi tố
– Thời điểm được rút yêu cầu của người bị hại
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 150 BLTTHS thì khi người yêu cầu rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Ở đây, có một vấn đề đặt ra là đến ngày mở phiên tòa mà phiên tòa không tiến hành được vì các lý do khác nhau và phải hoãn phiên tòa, vậy người bị hại có quyền rút yêu cầu trong thời gian này nữa hay không? Vấn đề này hiện có 02 quan điểm.
Thứ nhất, người bị hại không có quyền rút yêu cầu khởi tố vì ngày mở phiên tòa đã được ấn định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử và đến ngày đó người bị hại đã hết quyền rút yêu cầu, việc hoãn phiên tòa là vì lý do khác.
Thứ hai, người bị hại vẫn có quyền rút yêu cầu khởi tố vì mặc dù ngày mở phiên tòa đã được ấn định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng nó được hoãn và ngày chính thức mở phiên tòa được ấn định trong quyết định hoãn phiên tòa.
– Trong vụ án đồng phạm có nhiều bị can, người bị hại chỉ rút yêu cầu với một hoặc một số bị can
Thứ nhất, cần đình chỉ vụ án với bị can được rút yêu cầu, các bị can còn lại vẫn giải quyết xét xử.
Thứ hai, vẫn phải giải quyết xét xử với tất cả bị can và bị can nào được rút yêu cầu thì được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

1.5. Sự có mặt của người bị hại
Điều 191 BLTTHS quy định: “Nếu người bị hại vắng mặt thì tùy từng trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”. Đây là quy định chung cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà họ vắng mặt tại phiên tòa thì xử lý như thế nào? Vấn đề này có 02 quan điểm cụ thể:
Thứ nhất, phải hoãn phiên tòa.
Thứ hai, nếu hồ sơ có đầy đủ chứng cứ thể hiện quan điểm của người bị hại thì vẫn có thể tiến hành phiên tòa. Trường hợp chưa đủ chứng cứ thể hiện quan điểm của người bị hại thì hoãn phiên tòa.

1.6. Tại phiên tòa, có căn cứ xác định bị can chỉ phạm tội (hoặc khung hình phạt) nhẹ hơn tội (hoặc khung hình phạt) truy tố và tội (hoặc khung này) phải có yêu cầu của người bị hại thì mới được khởi tố vụ án
Thứ nhất, Hội đồng xét xử hỏi người bị hại trong phần xét hỏi, nếu họ có yêu cầu thì tiến hành phiên tòa theo đúng thủ tục chung, nếu họ không yêu cầu thì vào phòng nghị án thảo luận và ra quyết định đình chỉ vụ án.
Thứ hai, Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục phiên tòa cho đến khi nghị án mới xác định hành vi của bị cáo thuộc tội (khung) nào, và nếu chưa có yêu cầu của người bị hại thì quay trở lại phần xét hỏi để hỏi người bị hại, nếu có yêu cầu thì tiếp tục giải quyết, nếu không có yêu cầu thì vào phòng nghị án thảo luận và ra quyết định đình chỉ vụ án (hoặc quyết định yêu cầu điều tra bổ sung).

Giáp Phương

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese