Phân biệt tên thương mại với nhãn hiệu hàng hóa

tên thương mại

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì hai khái niệm nhãn hiệu và tên thương mại ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, rất nhiều người đang đồng nhất hai khái niệm này là một dẫn đến nhầm lẫn giữa nhãn hiệu với tên thương mại.

Có nhiều doanh nghiệp tin rằng, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì tên thương mại của họ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng sẽ được bảo hộ như là nhãn hiệu. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về bản chất của hai khái niệm này, Luật Minh Tín xin cung cấp những thông tin cơ bản nhằm phân biệt sự khác nhau giữa tên thương mại với nhãn hiệu, như sau:

1. Sự khác biệt giữa tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa

tên thương mại
Phân biệt tên thương mại với nhãn hiệu hàng hóa

Thứ nhất, về khái niệm

Tên thương mại theo quy định tại Khoản 21, Điều 4, Luật sở hữu trí tuệ 2005 là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có đối tác, khách hàng hoặc có danh tiếng.

Như vậy, khi thành lập, doanh nghiệp phải đặt tên và sử dụng tên đó để đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế, Sở kế hoạch đầu tư) để có thể tiến hành hoạt động. Trong quá trình kinh doanh bạn sẽ dùng tên thương mại để giao dịch nhằm phân biệt doanh nghiệp của bạn với doanh nghiệp khác. Chính vì thế, tên thương mại phải bao gồm các từ ngữ, chữ số phát âm được. Một doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại (có thể có tên đối nội và đối ngoại).

Ví dụ: Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ C&T, viết tắt: C&T., JSC; tên tiếng Anh: C&T Trading Service Joint stock Company.

Trong khi đó, nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Ví dụ: Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên (Pymepharco) có các sản phẩm thuốc sau và đã đăng ký các nhãn hiệu hàng hóa như: COLDFLU, GINVITON, EVEROSE,…

Thứ hai, về chức năng

Tên thương mại dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác.

Ví dụ: Trong ngành sữa có Công ty sữa Vinamilk, Công ty sữa TH True Milk. Ngành nội thất có Nội thất Hòa Phát, Nội thất Uma.

Nhãn hiệu có chức năng dùng để phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Thứ ba, về điều kiện bảo hộ

– Điều kiện bảo hộ đối với tên thương mại được quy định tại Điều 76, 77, 78 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Cụ thể là tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng khu vực và lĩnh vực kinh doanh.

Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Tên thương mại phải chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ không giải thích, nhưng đối chiếu với Điều 38 Luật doanh nghiệp 2014, tên riêng của doanh nghiệp được hiểu là thành phần tên trong đăng ký kinh doanh, loại bỏ đi loại hình doanh nghiệp.

Ví dụ, tên trong đăng ký kinh doanh là “Công Ty TNHH Xây Dựng Thương Mại Lộc Phát”, gồm hai thành phần: – Loại hình doanh nghiệp: “Công Ty TNHH” – Tên riêng: “Xây Dựng Thương Mại Lộc Phát”. Như vậy, tên riêng của doanh nghiệp trên là cả cụm “Xây Dựng Thương Mại Lộc Phát”, chứ không chỉ mỗi thành phần “Lộc Phát”;

+ Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

+ Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

– Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định tại Điều 72, 73, 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Cụ thể là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Thứ tư, về phạm vi bảo hộ và thời gian bảo hộ

– Phạm vi bảo hộ: Nhãn hiệu được bảo hộ trên toàn lãnh thổ. Tên thương mại được bảo hộ trong phạm vi khu vực kinh doanh (phụ thuộc vào mức độ và phạm vi kinh doanh).

– Thời gian bảo hộ:

Thời hạn bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định tại Khoản 6, Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu có thời hạn bảo hộ là 10 năm và được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

Thời hạn bảo hộ đối với tên thương mại là mãi mãi cho đến khi chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại đó không còn sử dụng hợp pháp nữa.

Thứ năm, về quyền sở hữu công nghiệp

– Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện thời gian, lãnh thổ, lĩnh vực trong đó tên thương mại đã được chủ thể đó sử dụng.

– Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp văn bằng bảo hộ cho người đăng ký các đối tượng đó. Người được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là chủ sở hữu và được hưởng quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ và trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Khi xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền sử dụng văn bằng bảo hộ làm căn cứ chứng minh quyền của mình mà không cần chứng cứ nào khác.

Thông qua các điểm khác biệt trên chắc các bạn cũng đã phân biệt được tên thương mại và nhãn hiệu khác nhau ở điểm nào. Khi thành lập doanh nghiệp/công ty, chúng ta phải đăng ký tên thương mại. Còn nếu muốn bảo hộ nhãn hiệu của logo hay hàng hóa thì bạn phải đăng ký nhãn hiệu.

2. Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và tên thương mại

 Theo quy định tại Điểm j, Khoản 2, Điều 74 của Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì nhãn hiệu sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt nếu “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3, Điều 78 của Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu “Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng”.

Như vậy, một nhãn hiệu có thể bị từ chối bảo hộ nếu dấu hiệu này là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại đang được sử dụng của người khác. Ngược lại tên thương mại cũng sẽ không có khả năng phân biệt, đồng nghĩa với việc không được bảo hộ dưới tên thương mại nếu tên thương mại này trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại được sử dụng một cách hợp pháp.

Để đánh giá về khả năng trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu với tên thương mại thường được đánh giá bởi các tiêu chí sau đây:

-Về mặt dấu hiệu: Thường được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí như cấu trúc, cách phát âm và cảm quan thị giác của nhãn hiệu và tên thương mại.

-Về mặt sản phẩm dịch vụ hoặc lĩnh vực hoạt động: Theo các quy định đã dẫn chiếu nêu trên thì một nhãn hiệu có thể bị từ chối bởi một tên thương mại nếu gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa bất kể sản phẩm/dịch vụ được đăng ký theo nhãn hiệu này có trùng hoặc tương tự với sản phẩm, dịch vụ được kinh doanh dưới tên thương mại hay không. Ngược lại một tên thương mại cũng sẽ bị từ chối bảo hộ với một nhãn hiệu đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại được sử dụng, bất kể chúng có trùng nhau về sản phẩm/dịch vụ hay không.

Trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp lấy thành phần phân biệt trong tên thương mại để làm nhãn hiệu hàng hóa. Nhưng có điều bất cập đó là tên thương mại thường dài, nhiều yếu tố của tên thương mại không có tính phân biệt cao nên các doanh nghiệp thường rút gọn tên thương mại hoặc thay đổi một số yếu tố để làm nhãn hiệu hàng hóa. Ví dụ: Công ty liên doanh TNHH Ngọc trai Phú Quốc. Địa chỉ: Xã Dương Tơ, Huyện Phú quốc, Tỉnh Kiên Giang đăng ký nhãn hiệu hàng hóa: “PHU QUOC PEARLS” hay Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải đăng ký nhãn hiệu: “CAT HAI”. Qua đó, có thể khẳng định rằng tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa không phải là một và chúng có khả năng phân biệt được với nhau.

3. Một số tranh chấp liên quan đến tên thương mại và nhãn hiệu

Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 không quy định về việc đăng ký bảo hộ đối với tên thương mại, bởi lẽ tên thương mại của doanh nghiệp đã được quản lý qua quá trình doanh nghiệp tiến hành việc đăng ký kinh doanh. Mặc dù vậy, trên thực tế, vẫn có nhiều tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp về việc tên thương mại trùng hay có khả năng gây nhầm lẫn, một vài dẫn chứng liên quan đến việc tranh chấp tên thương mại của doanh nghiệp và nhãn hiệu như:

– Vụ tranh chấp giữa nhãn hiệu “Trung Sơn – xi măng pooc lăng hỗn hợp – Hòa Bình – Việt Nam, hình” của Công ty THHH Xuân Mai và tên thương mại của Nhà máy xi măng Trung Sơn thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh). Ngày 16/05/2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 82099 cho nhãn hiệu: “Trung Sơn – xi măng pooc lăng hỗn hợp – Hòa Bình – Việt Nam, hình” cho Công ty TNHH Xuân Mai. Năm 2010, Công ty Bình Minh phát hiện trên các vỏ ngoài bao xi măng của Công ty Xuân Mai có sử dụng nhãn hiệu này và cho rằng nhãn hiệu này trùng với tên thương mại của Nhà máy xi măng Trung Sơn do đó yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ số 82099. Trên cơ sở lập luận: Tên dự án “Nhà máy xi măng Trung Sơn” là chỉ dẫn thương mại dưới dạng tên thương mại của Công ty Bình Minh được xây dựng tại xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) đã được Thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình và các bộ chức năng liên quan chấp thuận, phê duyệt và cấp phép theo trình tự, thủ tục đầu tư từ năm 1995 và từ năm 2003, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định cho thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Trung Sơn; Tên thương mại “Nhà máy xi măng Trung Sơn” đã được xác lập trước khi văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Trung Sơn – xi măng pooc lăng hỗn hợp – Hòa Bình – Việt Nam, hình” được cấp ngày 04/07/2005, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ra Quyết định số 2470/QĐ-SHTT và Quyết định số: 904/QĐ-SHTT hủy bỏ một phần hiệu lực Giấy đăng ký nhãn hiệu số 82099, loại bỏ phần chữ “Trung Sơn” trong nhãn hiệu trên.

-Vụ tranh chấp tên thương mại và nhãn hiệu giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Phúc Sinh có địa chỉ tại cao ốc H3, số 384 đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, Tp. HCM và bị đơn là Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh có địa chỉ tại lầu 1 tòa nhà số 15 đường Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM. Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn cho rằng tên thương mại của bị đơn có chứa thành phần tên riêng Phúc Sinh là xâm phạm quyền SHCN đối với tên thương mại đồng thời là nhãn hiệu của nguyên đơn (theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 73422 do Cục SHTT cấp ngày 06/07/2006 bảo hộ nhãn hiệu chữ Phúc Sinh và hình). Nguyên đơn yêu cầu Tòa án xem xét buộc bị đơn không được sử dụng tên thương mại có chứa thành phần tên riêng “Phúc Sinh” và “PHÚC SINH” trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong vụ án này, tên thương mại của nguyên đơn được sử dụng từ 13/09/2001 theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4102006491 của Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM. Nhãn hiệu có chứa chữ “PHUC SINH” cũng được bảo hộ từ năm 2006. Trong khi đó, đến năm 2008 bị đơn mới được Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vì vậy, Tòa án nhân dân Tp.HCM đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn không được sử dụng tên thương mại có chứa thành phần tên riêng “Phúc Sinh” hay “PHÚC SINH”, “PHUCSINH”. Bị đơn có trách nhiệm tiến hành thủ tục đổi tên Công ty để không còn chứa thành phần tên riêng “Phúc Sinh” hay “PHÚC SINH”, “PHUCSINH” trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 Qua các vụ việc trên đây, để tránh xảy ra các tranh chấp trong quá trình hoạt động kinh doanh liên quan đến tên thương mại và nhãn hiệu, doanh nghiệp cần lưu ý:

+ Trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp, cần kiểm tra kỹ tên dự định sẽ đăng ký làm tên doanh nghiệp xem liệu có thể bị trùng hoặc nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp nào đã thành lập trước đó hay không;

+ Một trong những cách thức để bảo vệ vững chắc cho tên thương mại là đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu – việc đăng ký bảo hộ như vậy giúp tên doanh nghiệp vừa được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu (Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) vừa được quản lý qua Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp  (do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp);

+ Ngay khi phát hiện có doanh nghiệp khác có tên thương mại tương tự, cùng lĩnh vực kinh doanh và địa bàn kinh doanh, doanh nghiệp cần có biện pháp xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.

Nhãn hiệu và tên thương mại không chỉ đơn thuần là dấu hiệu phân biệt hàng hóa, chủ thể kinh doanh mà quan trọng hơn nó còn là một tài sản của doanh nghiệp. Một nhãn hiệu nổi tiếng, một tên thương mại được biết đến rộng rãi càng dễ có nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Vì vậy, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại và nhãn hiệu là hết sức quan trọng và thực sự cần thiết.

Trên đây là một số phân tích liên quan đến tên thương mại với nhãn hiệu hàng hóa. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn sự khác nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng liên hệ tới Công ty Luật TNHH Minh Tín (Điện thoại: 0243.555.8410/0914.179.856).

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý Khách hàng.

Trân trọng!

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese