Tài sản thừa kế có được chia nếu di chúc để lại dành hết cho một người?

hỏi đáp thừa kế

Câu hỏi: Bố mẹ tôi sống chung với ông bà. Bà nội tôi chết năm 2009 và có di chúc (bằng văn bản có chứng thực của UBND xã) để lại toàn bộ phần di sản của bà cho ông nội tôi. Năm 2012, ông nội tôi trước khi chết đã dặn dò con cái rằng nhà và đất của ông bà sẽ để lại cho bố mẹ tôi vì đã chăm sóc ông lúc ốm đau đồng thời cũng là để nơi hương hỏa sau này. Việc dặn dò trước sự có mặt của tất cả mọi người nhưng do sơ suất nên không có ai kịp ghi chép lại. Mới đây, đợt nghỉ lễ 30.4 bác cả tôi về yêu cầu họp gia đình và yêu cầu chia thừa kế đối với di sản mà ông bà để lại. Vậy xin hỏi bác cả tôi có quyền yêu cầu chia thừa kế không?

  (Câu hỏi của chị Nguyễn Thị H – thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)

Trả lời:

  Đối với câu hỏi của chị Nguyễn Thị H ở Thái Nguyên, chúng tôi xin trả lời như sau:

  Căn cứ thông tin chị cung cấp, năm 2009, bà nội chị chết đã lập di chúc để lại toàn bộ di sản cho ông nội và di chúc này hoàn toàn hợp pháp theo quy định tại Điều 650 và Điều 652 BLDS 2005. Năm 2012, ông nội chị trước khi chết đã di chúc miệng rằng nhà và đất sẽ để lại cho bố mẹ chị. Điều 651 BLDS 2005 quy định về di chúc miệng như sau:

  “Điều 651. Di chúc miệng

  1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

  2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”

  Khoản 5 Điều 652 BLDS 2005 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

  “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”

  Theo quy định trên, trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì người đó có thể lập di chúc miệng. Tuy nhiên, việc lập di chúc miệng này phải được thể hiện trước sự chứng kiến của ít nhất hai người làm chứng và trong thời hạn 05 ngày sau đó, người làm chứng phải ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ đồng thời phải tiến hành công chứng hoặc chứng thực. Đối với trường hợp của chị, khi ông nội chị chết có di chúc lại trước mặt tất cả mọi người nhưng việc di chúc miệng này lại không được ghi chép lại và công chứng/chứng thực. Việc di chúc miệng của ông nội chị không đáp ứng được điều kiện hình thức theo quy định điều đó đồng nghĩa với việc nó không hợp pháp và không phát sinh hiệu lực trên thực tế. Hơn nữa, ông nội chị chết năm 2012 cho nên vẫn còn thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế theo quy định. Do đó, bác của chị vẫn có quyền khởi kiện chia thừa kế đối với di sản mà ông nội chị để lại.

  Trên đây là ý kiến giải đáp của Công ty Luật Minh Tín. Để được hỗ trợ vui lòng liên hệ số điện thoại: 0915.177.856 hoặc địa chỉ: Công ty Luật TNHH Minh Tín, tầng 4, tòa nhà Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese