Nâng tầm thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý

chỉ dẫn địa lý

  Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến ngày 31/7/2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý. Trong đó có 62 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Nhưng, so với các nước trên thế giới thì số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ còn rất khiêm tốn.

  Để thị trường trong và ngoài nước biết đến nông sản Việt Nam, tăng giá trị cho sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đã ngày càng trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng.

  Để hiểu rõ hơn về chỉ dẫn địa lý là gì, vai trò của việc đăng ký bảo hộ thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Chỉ dẫn địa lý là gì?

  Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

  Theo quy định tại Khoản 22, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì “chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể“.

chỉ dẫn địa lý
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý

  Ví dụ: khi nhắc đến nước mắm Phú Quốc người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến loại nước mắm nổi tiếng tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có từ lâu đời với hương vị đặc trưng không lẫn với các loại nước mắm của các vùng khác như Phan Thiết, Nha Trang,…; hay nhắc đến Thái Nguyên là nhắc đến thương hiệu chè Tân Cương nổi tiếng.

  Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh. Các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

  Khu vực địa lý mang chỉ dẫn có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

2. Vai trò của việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

  Với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò như sự đảm bảo rằng sản phẩm mang chỉ dẫn có được chất lượng nhất định theo phương pháp sản xuất truyền thống hoặc có được uy tín nhờ xuất xứ địa lý vùng miền.

  Chính vì lý do này, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo chất lượng.

  Do vậy, sản phẩm mang chỉ dẫn thường mang tính cạnh tranh cao hơn các sản phẩm chỉ mang nhãn hiệu thông thường. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thực tế đã chứng minh và chỉ rất rõ vai trò, lợi ích của nó, như:

–  Thứ nhất, với việc khi mua sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý người tiêu dùng tin tưởng hơn vào chất lượng, sự an toàn của sản phẩm. Đồng thời các sản phẩm được bảo hộ theo chỉ dẫn sẽ mang tính chất đặc thù của địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia, bảo vệ được bí quyết công nghệ. Qua đó thúc đẩy phát triển nông thôn và du lịch.

  Chỉ dẫn địa lý cũng góp phần quan trọng trong việc bình ổn chất lượng, danh tiếng của các sản phẩm và được coi là công cụ marketing quan trọng trong cạnh tranh thị trường.

  Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đóng một vai trò quan trọng vào việc phát triển kinh tế và phát triển hình ảnh tốt đẹp của sản phẩm tới người tiêu dùng.

–  Thứ hai, chỉ dẫn địa lý là động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Đây là điều kiện phát huy các lợi thế riêng vốn có của địa phương đó để phát triển sản phẩm đặc sản. Đây được coi là cách thức hiệu quả nhất để có được sự thành công trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp.

  Ví dụ: Thanh long Bình Thuận sau khi được bảo hộ, những người sản xuất thanh long Bình Thuận đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất trái thanh long, cải thiện được chất lượng của thanh long, góp phần cải thiện ngành nông nghiệp Bình Thuận. 

–  Thứ ba, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương.

  Trong những năm gần đây, mức thu nhập của người dân ngày càng tăng và càng có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm tự nhiên. Ví như: nước mắm Phú Quốc, nho Ninh Thuận, vải Lục Ngạn,…

  Việc khai thác các sản phẩm mang yếu tố chỉ dẫn địa lý đem lại nhiều lợi ích kinh tế và cũng góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

–  Thứ tư, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp đảm bảo quyền và lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng.

  Điển hình, cam Vinh (tỉnh Nghệ An) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, giá sản phẩm đã tăng gấp 2-3 lần so với khi chưa cấp chỉ dẫn địa lý.

  Bên cạnh đó, khi một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, cơ chế quản lý và kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng như việc duy trì, đảm bảo chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ tạo ra công ăn việc làm cho số lượng lớn người lao động của địa phương đó, khắc phục tình trạng thất nghiệp.

  Xét về khía cạnh pháp lý, bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước hết, nó giúp ngăn cấm những chủ thể không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn, hoặc loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

  Mặt khác, bảo hộ chỉ dẫn địa lý để chúng không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác.

3. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

  Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

–  Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn phải có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc đất nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

  Sản phẩm sẽ được coi là có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý nếu như sản phẩm đó được gia công, chế biến, sản xuất toàn bộ tại khu vực địa lý hoặc có những công đoạn chất lượng, có đủ điều kiện tạo đặc tính của sản phẩm được sản xuất tại địa phương này. Công đoạn sản xuất này phải được ghi rõ trong hồ sơ điều kiện chỉ dẫn địa lý.

  Sản phẩm phải tồn tại ở khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý cần đăng ký bảo hộ. Khu vực này phải có những điều kiện đặc thù để tạo nên đặc tính cho sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm phải được sản xuất thực tế tại khu vực này và được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận.

–  Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

  Các chỉ tiêu để tạo nên đặc tính bao gồm thông số kỹ thuật, các đặc trưng về cảm quan. Đồng thời, sản phẩm đó phải có mối quan hệ phụ thuộc giữa chất lượng, danh tiếng và đặc tính sản phẩm với điều kiện địa lý.

  Như vậy, để có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, thì cần phải tồn tại một địa danh. Tại địa danh này, một loại sản phẩm nào đó được sản xuất ra mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của sản phẩm được quyết định bởi những điều kiện địa lý của địa danh đó.

  Vậy, để sản phẩm có được những đặc tính khác biệt, bắt buộc sản phẩm đó phải được sản xuất tại địa danh đó.

  Chúng ta có thể lấy một số ví dụ điển hình đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, bảo hộ là chỉ dẫn địa lý như: Xoài cát Hòa Lộc (tỉnh Tiền Giang); Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai); Bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ); Gạo tám xoan Hải Hậu (tỉnh Nam Định)…

  Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá.

  Các thông tin địa lý đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hoá, đã mất khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý thì không được bảo hộ dưới danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý.

4. Hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

  Theo quy định hiện hành thì một bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cần phải có những tài liệu sau đây:

–  Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý (theo mẫu của Cục SHTT);

–  Bản mô tả tính chất/chất lượng/danh tiếng của sản phẩm (2 bản);

–  Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý (2 bản);

–  10 mẫu thể hiện cách trình bày chỉ dẫn địa lý sẽ được sử dụng với kích thước không lớn hơn 80x80mm và không nhỏ hơn 20x20mm (trong trường hợp chỉ dẫn không phải là từ ngữ).

5. Quy trình và thời hạn xem xét đơn

  Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được xử lý tại Cục Sở hữu trí tuệ theo trình tự tổng quát sau:

– Thẩm định hình thức:

  Là việc đánh giá tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.

– Công bố đơn hợp lệ:

  Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được chấp nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo SHCN trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, tóm tắt tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

– Thẩm định nội dung:

  Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được công nhận là hợp lệ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ. Thời hạn thẩm định nội dung đơn là 6 tháng kể từ ngày công bố đơn.

  Trên đây là một số phân tích về vấn đề đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn về chỉ dẫn địa lý và tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

  Để được tư vấn chi tiết về vấn đề đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Quý khách vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại: 0243.555.8410/0915.177.856 hoặc HOTLINE: 0902.267.116.

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý Khách hàng.

Trân trọng!

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese