Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần những điều kiện gì?

  Được làm cha, mẹ là hạnh phúc của tất cả mọi người. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà có một số cặp vợ chồng không thể tự mình mang thai. Nhờ khoa học kỹ thuật trong ngành y ngày càng phát triển, hình thức mang thai hộ đã được ra đời. Dù đây là vì mục đích nhân đạo, nhưng trên thực tế có nhiều đối tượng lợi dụng cách thức này để thực hiện các giao dịch thương mại. Do đó, pháp luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có những quy định chặt chẽ liên quan đến vấn đề này.

1. Khái niệm mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

  Theo Luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì có 2 hình thức mang thai hộ: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.

–  Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

–  Mang thai hộ vì mục đích thương mại: là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng biện pháp áp dụng kỹ thuật  hỗ trợ sinh sản để hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

  Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.

  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ 2014) có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 đã chính thức thừa nhận và cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, do là một vấn đề nhạy cảm cho nên để thực hiện được người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ cần phải đáp ứng được những điều kiện nhất định theo quy định pháp luật.

2. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

  Căn cứ quy định tại Điều 95 Luật HNGĐ 2014, Khoản 3 Điều 1 Nghị định 96/2016 ngày 01/6/2017, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện sau:

  2.1 Điều kiện của người nhờ mang thai hộ

  Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

– Vợ chồng đang không có con chung.

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?

  2.2 Điều kiện của người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

   Luật HNGĐ 2014 được thông qua dựa trên nguyên tắc “người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ”. Theo đó, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

– Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.

– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.

– Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

  2.3 Điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

  Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng được những điều kiện sau:

– Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này.

– Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.

  *Hiện nay, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kĩ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm: Bệnh viện Phụ sản trung ương; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.

  2.4 Điều kiện về thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

  Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Các bên trong quan hệ mang thai hộ (bên nhờ mang thai hộ, bên mang thai hộ) có quyền thỏa thuận về một số nội dung có liên quan tới việc mang thai hộ. Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải bảo đảm các điều kiện:

– Lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Việc ủy quyền cho người thứ ba không được công nhận. Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này.

– Có thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan.

– Quyền, nghĩa vụ về hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ. Quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ.

– Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.

  2.5 Điều kiện khác

  Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

  Trên đây là những điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc quy định cụ thể những điều kiện mang thai hộ đã bước đầu tháo gỡ được những vướng mắc của người dân về vấn đề này. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về vấn đề mang thai hộ.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Như Quỳnh

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese