Làm việc hơn 6 tháng có được ký kết Hợp đồng lao động hay không?

hỏi đáp lao động

  Câu hỏi: Tôi học sư phạm ra nhưng không xin được việc nên vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty dược tại Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi bắt đầu làm việc từ tháng 2/2017 và đến nay đã được hơn 7 tháng nhưng không có HĐLĐ. Hàng tháng công ty trả lương cho tôi theo doanh số, tháng cao nhất tầm khoảng 3.500.000đ. Tôi có hỏi Giám đốc thì được trả lời rằng tôi phải làm việc tối thiểu 6 tháng và có nguyện vọng làm việc lâu dài thì công ty mới tiến hành giao kết HĐLĐ và do không có HĐLĐ nên tiền lương chỉ hưởng theo doanh số bán hàng. Vậy xin hỏi, Giám đốc tôi trả lời như vậy có đúng không?

  (Câu hỏi của chị Lê Minh T ở Đống Đa, Hà Nội)

Trả lời:

  Đối với câu hỏi của chị Lê Minh T chúng tôi xin trả lời như sau:

– Về việc giao kết HĐLĐ:

  Điều 16 BLLĐ 2012 có quy định về Hình thức hợp đồng lao động:

  “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

  2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

  Về nguyên tắc, hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải được giao kết bằng văn bản trừ trường hợp đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói. Tuy nhiên, trường hợp của chị, với công việc của chị có tính chất thường xuyên và thời gian làm việc là 7 tháng thì công ty phải có nghĩa vụ giao kết HĐLĐ bằng văn bản và phải tiến hành tham gia BHXH cho chị theo quy định pháp luật. Do đó, việc Giám đốc trả lời chị như vậy là không đúng theo quy định.

– Về tiền lương:

  Theo quy định tại Điều 90 BLLĐ 2012, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

  Điều 5 Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

  + Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

  + Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này.

  Chị làm ở khu vực Thanh Xuân, TP. Hà Nội (KV1) và không thuộc trường hợp người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề đào tạo nghề cho nên mức lương tối thiểu vùng được áp dụng để tính lương cho chị là 3.750.000đ/tháng. Theo đó, công ty và chị có thể thỏa thuận về mức lương nhưng không được thấp hơn 3.750.000đ. Tuy nhiên, công ty áp dụng mức lương cho chị không ổn định và cao nhất là 3.500.000đ là không đúng theo quy định trên.

  Trên đây là ý kiến giải đáp của Công ty Luật Minh Tín. Để được hỗ trợ vui lòng liên hệ số điện thoại: 0915.177.856 hoặc địa chỉ: Công ty Luật TNHH Minh Tín, tầng 4, tòa nhà Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese