Khiếu nại và khởi kiện hành chính

khởi kiện vụ án hành chính

  Pháp luật quy định thế nào về khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính? Luật Minh Tín sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về thủ tục khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015.

1. Khái niệm

  Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

  Khởi kiện hành chính là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

khởi kiện vụ án hành chính
Công ty luật Minh Tín tư vấn thủ tục khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính

2. Đối tượng khiếu nại, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

  Đối tượng khiếu nại: là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

  Đối tượng khởi kiện hành chính: quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi là danh sách cử tri).

3. Thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

  Thời hiệu khiếu nại:

  Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, dịch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

  Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính:

–  Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

  Đối với các trường hợp trên, nếu vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

–  Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với danh sách cử tri: Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

–  Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được xác định như sau: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

4. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khởi kiện vụ án hành chính

  Thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với mỗi quyết định hành chính, hành vi hành chính phụ thuộc vào chủ thể ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính đó. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định cụ thể tại Mục 1, Chương 3 Luật Khiếu nại năm 2011. Ví dụ: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính của Chủ tịch UBND xã X là Chủ tịch UBND xã X.

  Thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hành chính được quy định cụ thể tại Điều 31, 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

  Như vậy, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì công dân có thể lựa chọn khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó.

  Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết, hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

  Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của Luật Khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

  Bạn đọc có thể xem thêm một số hỏi đáp pháp luật hành chính tại đây.  

  Trên đây là quy trình và thủ tục khiếu nại và khởi kiện hành chính. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc tiến hành thực hiện được nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, chi phí nhất.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Nguyễn Thúy

Sharing is caring!

3
EnglishVietnamese