Phân tích cụ thể những sai phạm của toà án 2 cấp trong việc giải quyết vụ việc: Công ty Khánh Sang khởi kiện Công ty Ninh Thuận

thủ tục kháng cáo

1/ Những vi phạm về tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm:
            Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:
–         Bỏ sót người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận − Đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước đối với dự án đường ven biển Vĩnh Hy – Bình Tiên. Bản thân khối lượng công việc mà Công ty Kháng Sang đã thực hiện, cũng như đối tượng trong Hợp đồng tranh chấp là thuộc thẩm quyền quản lý của Sở giao thông vận tải Ninh Thuận. Do vậy, Sở Giao thông vận tải Ninh Thuận phải tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
–         Xác định tư cách người làm chứng trong vụ án không phù hợp với quy định của pháp luật đối với ông Lê Hưng Chính. Ông Chính hiện đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty CP Giao thông Ninh Thuận. Trong khi Công ty Ninh Thuận đang là bị đơn của vụ án. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đưa ông Chính vào tham gia vụ án với tư cách người làm chứng rõ ràng đã thể hiện sự thiếu khách quan trong việc giải quyết vụ án của hai cấp xét xử.

2/ Những mâu thuẩn và vi phạm nghiêm trọng của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm.
           Thứ nhất: Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 263 BLTTDS quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm: “ Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”.
Tuy nhiên, Bản án dân sự phúc thẩm số 02/2014/KDTM-PT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận lại tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án. Như vậy, rõ ràng cấp xét xử phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về phạm vi xét xử, xét xử trùng lặp với phạm vi xét xử của cấp xét xử sơ thẩm.

Thứ hai: Quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định theo Bản án phúc thẩm hay bản án sơ thẩm? khi mà bản án phúc thẩm nhận định “giữ nguyên bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại số 01/2014/KDTM-ST ngày 17/01/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận”. Trong khi đó bản án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”, Bản án cấp phúc thẩm lại xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng khoan đá làm đường giao thông” thuộc loại hợp đồng dịch vụ. Tại phần quyết định của Bản án phúc thẩm không tuyên về giá trị pháp lý của bản án sơ thẩm, như vậy là thiếu sót nghiêm trọng.

           Thứ ba: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm đồng ý với nhận định của cấp sơ thẩm khi cho rằng nguồn gốc của gói thầu số 20 dự án đường ven biển đoạn Bình Tiên − Vĩnh Hy từ km 6+400 đến km 12+280 không có Công ty Ninh Thuận tham gia cũng như không nhận làm B’, B’’, B’’’….của bất kì cá nhân hay tổ chức nào, từ đó xác định Hợp đồng kinh tế số 15/5/2012/HĐKT ngày 15/5/2012 giữa Công ty Khánh Sang và Công ty Ninh Thuận là một giao dịch dân sự giả tạo thì không lẽ toàn bộ khối lượng công việc mà Công ty Kháng Sang đã thực hiện trên thực tế theo Hợp đồng số 15/5/2012/HĐKT trong các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 của năm 2012, không có bên thuê dịch vụ hay sao? Việc Công ty Kháng Sang đưa công nhân, máy móc thiết bị đến khoan đá tại dự án của người khác mà không có đơn vị nào giám sát, kiểm tra, phản đối hay có bất kì ý kiến nào hay sao?
Nói thêm rằng: Hợp đồng giữa Công ty Khánh Sang và Công ty Ninh Thuận được thực hiện trong cả một quá trình lâu dài về mặt thực tế và được cụ thể hóa bằng văn bản chính là các Biên bản nghiệm thu hàng tháng, biên bản xác nhận công nợ, Bản cam kết về việc giải quyết công nợ, có chữ ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật của hai pháp nhân. Chứ không phải là sự giả tạo để hợp thức các khoản nợ.

           Thứ tư: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Công ty Khánh Sang nhận thi công cùng một lúc một công việc với hai đối tác là Công ty TNHH Tư vấn- Xây dựng Trung Tín Đức và Công ty Ninh Thuận là không thể xảy ra trên thực tế và mục đích của việc ký kết hợp đồng này cũng để nhằm mục đích chuyển số nợ từ Công ty TNHH Tư vấn- Xây dựng Trung Tín Đức sang cho Công ty Ninh Thuận thì tại sao lại có sự khác biệt hoàn toàn về hồ sơ công nợ. Thời gian tiến hành cũng hoàn toàn khác nhau?
Trong hồ sơ vụ án không có bất kì tài liệu, chứng cứ hay bất kì lời khai nào thể hiện nội dung: Công ty Khánh Sang đã thực hiện toàn bộ phần công việc khoan phá đá của gói thầu số 20 theo Hợp đồng kinh tế số 12/5/HĐKT mà Công ty Khánh Sang ký kết với Công ty TNHH Tư vấn- Xây dựng Trung Tín Đức, mà giá trị thanh toán được xác định theo khối lượng công việc đã thực hiện. Cụ thể:

* Theo Bảng đối chiếu công nợ ngày 25/12/2011 giữa Công ty Khánh Sang và Công ty TNHH Tư vấn- Xây dựng Trung Tín Đức thì khối lượng công việc thực tế mà Công ty Kháng Sang được nghiệm thu là 44.531,3méttương ứng với giá trị thanh toán là 1.620.939.320 đồng. Số tiền này hiện nay Công ty TNHH Tư vấn- Xây dựng Trung Tín Đức vẫn chưa thanh toán trả cho Công ty Khánh Sang. Công ty Kháng Sang đang tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm yêu cầu Công ty TNHH Tư vấn- Xây dựng Trung Tín Đức thanh toán khoản nợ nêu trên.
* Trong khi đó, Hợp đồng kinh tế số 15/5/2012/HĐKT ngày 15/5/2012 giữa Công ty Khánh Sang và Công ty Ninh Thuận, tại các biên bản nghiệm thu, Biên bản đối chiếu công nợ, Bản cam kết về việc giải quyết công nợ, tổng khối lượng đá khoan phá được nghiệm thu tính từ ngày 15/5/2012 đến ngày 18/12/2012 là 46.564,8 mét với tổng giá trị được tính là 1.694.958.720 đồng.

Đây hoàn toàn là hai khoản thanh toán khác nhau dựa trên khối lượng công việc đã thực hiện khác nhau, theo Hợp đồng được ký kết khác nhau với bên thuê dịch vụ khác nhau, được tiến hành tại các thời điểm khác nhau và có sự nối tiếp về thời gian, tiến độ thực hiện công việc. Rõ ràng, những nhận định tại bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm là hoàn toàn không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, đồng thời có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Xây dựng công trình Khánh Sang.

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2015
 LS. Nguyễn Ngọc Đức

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese