Dân chủ luận giải

  Theo Wikipedia: “Dân chủ là một hình thức nhà nước, trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình. Thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong quốc hội hoặc thể chế tương tự”.

  Hay theo quan điểm của Abraham Lincoln, ngay từ năm 1863 khi cuộc nội chiến Mỹ kết thúc, ông đã cho rằng dân chủ là chính quyền của dân, do dân và vì dân: “Một chính quyền của dân, do dân, và vì dân sẽ không thể bị diệt vong”. Chúng ta có thể hiểu “của dân” đó là sản phẩm chung của mọi thành viên trong xã hội, “do dân” chính là việc người dân cùng nhau thỏa hiệp lập nên, và “vì dân” sứ mệnh cốt yếu của chính phủ ở đây là phục vụ tốt nhất các nhu cầu mà người chủ sở hữu đã lập nên nó. Hiểu một cách khái quát nhất, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, Dân chủ có thể được định nghĩa là “Dân là chủ và Dân làm chủ”. Ở đây, theo suy luận của người viết thì “Dân là chủ” chính là nói về vị thế, và “Dân làm chủ” ý nói tính chủ động của người làm chủ, ở đây chính là toàn thể Nhân dân.

  Về nguồn gốc của dân chủ                                                   

  Trong cuốn sách với tựa đề Origins of Democracy in Ancient Greece4 (tạm dịch: Các nguồn gốc của dân chủ trong nhà nước Hy lạp cổ đại) các tác giả cùng nhất trí rằng: Dân chủ có nguồn gốc từ Hy lạp cổ đại. Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên tại Hy Lạp, được ghép từ chữ demosnhân dânkratosquyền lực. Nghĩa là quyền lực nhân dân, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 TCN để chỉ hệ thống chính trị tồn tại ở một số thành bang Hy lạp. Nổi bật nhất là thành phố Anthena sau cuộc nổi dậy của dân chúng vào năm 508 TCN. Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy ý niệm về Dân chủ trong xã hội đã hình thành từ khá lâu trong lịch sử nhân loại. Là một trong những quan niệm đỉnh cao mà con người xây dựng nên trong quá trình tồn tại của mình.

dân chủ luận giải
Nguồn gốc của dân chủ

  Các thành tố cốt lõi của nhà nước dân chủ

  Đối diện với một thuật ngữ đã có khởi nguồn từ xa xưa trong lịch sử, hẳn chúng ta đều phải dè dặt khi nói về các yếu tố mà nội hàm của nó muốn truyền đạt. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây phần lớn tại các nước văn minh tiến bộ, ai cũng thừa nhận vai trò của dân chủ trong xã hội. Vậy, một nhà nước Dân chủ phải cần hội tụ những thành tố nào? Và đâu là yếu tố cốt lõi?. Theo quan điểm của người viết thì một ý niệm, một quan điểm để được coi là khuôn vàng thước ngọc, được coi là tinh hoa của nhân loại, được hầu hết các dân tộc có sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng chấp nhận thì nó phải mang các giá trị nhân bản, phục vụ số đông, và hướng thiện:

  Thứ nhất, Nhà nước dân chủ phải bảo vệ quyền con người của mọi công dân. Theo quan điểm của K. Cácmác5 thì:“Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Như vậy có thể thấy vị trí trung tâm và quan trọng hàng đầu của con người trong một xã hội. Vì con người là chủ nhân của sản phẩm họ sáng tạo ra, đó là Nhà nước. Do vậy trong mọi hoạt động của mình, nhà nước phải luôn coi trọng và đặt phẩm giá của con người lên hàng đầu. Bởi họ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Từ việc ban hành luật pháp, bảo đảm những quyền cơ bản phải lấy con người ra làm trung tâm soi chiếu.

  Tại Khoản 1 Điều 1 Luật cơ bản của Cộng hòa Liên bang Đức quy định về nhân phẩm – nhân quyền – giá trị pháp lý của các quyền cơ bản: “1. Phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan nhà nước”. Ngược về lịch sử, trong bản Hiến pháp nước Mỹ, mười tu chính đầu tiên gọi là Bill of Rights đảm bảo cho công dân các quyền như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng… Tất cả các khái niệm về quyền công dân trong đó được xây dựng trên cơ sở giả thiết rằng, Nhà nước và Chính phủ tồn tại là để phục vụ nhân dân. Con người có quyền là vì họ là người chứ không phải vì nguồn gốc xuất thân, dân tộc, giới tính… Mọi công dân đều có những quyền xác định, quyền tự nhiên bất khả xâm phạm mà không một chính phủ nào có quyền tước đoạt hay hạn chế. Bản Hiến pháp mà mọi quốc gia có được chính là trên cơ sở sự đồng thuận của mọi thành viên trong xã hội trao quyền cho Nhà nước chứ không phải được lập ra để Nhà nước ban quyền cho người dân.

dân chủ luận giải
Con người là vị trí trung tâm của xã hội – Dân chủ luận giải

  Thứ hai, Nhà nước dân chủ phải là mẫu hình trong đó không ngừng theo đuổi tôn chỉ thượng tôn pháp luật, coi quyền lực pháp luật là lẽ công bằng. Nhà nước, tất cả các cơ quan nhà nước, tất cả các tập thể và từng cá nhân, không phụ thuộc vào nguồn gốc xuất thân và địa vị người đó nắm giữ, đều phải tuân thủ pháp luật. Bởi vậy, pháp luật phải nghiêm minh và rõ ràng để ai cũng biết và tuân thủ. Khi vi phạm thì ai cũng như ai, phải đối diện với sự trừng phạt thích đáng. Ngay từ xa xưa, người Việt chúng ta cũng đã hòa nhịp khát vọng chung của nhân loại về một xã hội coi trọng pháp luật: “Thương em anh để trong lòng/ Việc quan anh cứ phép công anh làm” hay mong muốn “Pháp luật bất vị thân”. Hàn Phi Tử7 thì cho rằng: “Pháp luật không được hùa theo kẻ sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật”.

  Thứ ba, một Nhà nước dân chủ cần đảm bảo cho sự tham gia tích cực của công dân trong chính trị và đời sống dân sự. Lấy việc ban hành Hiến pháp là một minh chứng. Bởi Hiến pháp là một đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia, quy định những vấn đề chung nhất về quyền của công dân, cơ quan nhà nước nên việc lấy ý kiến của người dân hay trưng cầu dân ý cần phải được tôn trọng. Mặc dù cách quy định khác nhau, song Hiến pháp các quốc gia trên thế giới đều đề cập đến hai cách thức chính. Trong đó nhân dân sử dụng quyền lực của mình, đó là thực hiện một cách trực tiếp (thông qua bầu cử, trưng cầu ý dân…) và gián tiếp (thông qua các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan đại diện dân cử). Thực tiễn trên thế giới cho thấy, trong việc xây dựng và sửa đổi hiến pháp, người dân cũng sử dụng quyền lực thông qua cả hai cách này. Trong đó cách thức trực tiếp ngày càng được coi trọng và áp dụng nhiều hơn so với trước đây. Để thể hiện và bảo vệ chủ quyền nhân dân, thông thường hiến pháp các nước chỉ có thể được thông qua với sự chấp thuận của nhân dân (qua trưng cầu ý dân).

  Tiếp đến, đảm bảo sự tham gia của công dân vào việc hình thành xã hội dân sự. Xã hội dân sự được hiểu là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,… thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước, không để cho Nhà nước áp bức các công dân của mình. Tại các nước dân chủ thì lẽ tất yếu trong xã hội là người dân tham gia vào việc hoạch định, thực hiện chính sách và giám sát nhà nước, thực hiện phản biện xã hội. Chúng ta đều không thể phủ nhận vai trò của phản biện xã hội đối với sự phát triển của xã hội. Mọi cá nhân, tổ chức cần có sự bình quyền trong việc tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm để đóng góp vào dòng chảy chung kiến tạo một xã hội tiến bộ. Theo quan điểm của Ngô Bảo Châu8 thì: “Người biết phẫn nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.

  Có thể nói, dân chủ là một mục tiêu mà tất cả các quốc gia trên thế giới cần hướng đến. Ý niệm dân chủ không phải là điều gì đó quá xa xôi, bởi bản thân nó là một nhu cầu tất yếu của mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Cũng giống như việc ăn, ngủ, nghỉ, nó chỉ là sự thừa nhận những giá trị tự nhiên hay tuân theo luật tự nhiên mà con người đã hiển nhiên sở hữu từ thủa hồng hoang. Người viết xin mượn lời của N.M.Voskresenskaia9 trong cuốn Chế độ Dân chủ, Nhà nước và xã hội thay lời tạm kết:“Tất cả chúng ta đều phải học qua trường học dân chủ. Kể cả người vừa bước vào đời cũng như người đã trải qua nhiều kinh nghiệm sống. Vì khát vọng tự do có thể là bẩm sinh nhưng thực hành dân chủ thì phải học mới biết”.

  Trên đây là những chia sẻ của Luật Minh Tín về dân chủ luận giải. Hy vọng với những gì Luật Minh Tín đưa ra sẽ giúp bạn đọc có kiến thức và hiểu thêm về vấn đề dân chủ luận giải.

  Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Minh Tín theo số điện thoại – 0243.555.8410/0914179856 hoặc gửi vào hòm thư info@luatminhtin.vn.

Vũ Khỏe

1 Bách khoa toàn thư mở;

2 Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ;

3 Giáo sư sử học, khảo cổ học;

4 Do đại học California ấn hành ngày 11/1/2007;

5 Nhà tư tưởng người Đức;

6 Luật về các quyền của Mỹ;

7 Học giả nổi tiếng Trung quốc thời chiến quốc, đề xuất tư tưởng Pháp trị;

8 Giáo sư toán, giành giải Fields;

9 Giáo sư chính trị học của Nga.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese