Con nuôi có được hưởng thừa kế hay không?

hỏi đáp thừa kế

  Câu hỏi: Ông bà tôi có 5 người con. Bố tôi là con nuôi được ông bà nhận nuôi từ bé. Ông tôi mất năm 2011, bà tôi mất năm 2015 và ông bà tôi đều không để lại di chúc. Di sản mà ông bà để lại là 500 triệu đồng tiết kiệm trong ngân hàng và 1 ngôi nhà 4 tầng 120m2 ở phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Ngày giỗ của bà, các bác có họp lại và thống nhất chia đều di sản cho 5 người mà không chia cho bố tôi vì bố tôi là con nuôi nên không được hưởng. Vậy, bố tôi có được hưởng di sản của ông bà để lại không? Nếu được thì bố tôi phải làm như thế nào? Rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư.

  (Câu hỏi của anh Trần Đức T – xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định)

Trả lời:

  Đối với câu hỏi của anh Trần Đức T ở Nam Định, chúng tôi xin trả lời như sau:

  – Thứ nhất, về quyền hưởng di sản thừa kế:

  Căn cứ thông tin anh cung cấp, ông bà anh đã mất và đều không để lại di chúc, bố anh là con nuôi của ông bà từ bé. Cho nên đây là một trong những trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 675 BLDS 2005: “a) Không có di chúc;”.

  Điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:

  “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

  b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

  Theo đó, con nuôi được hưởng thừa kế ngang hàng như con đẻ mà không có sự phân biệt. Bố anh sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng di sản thừa kế do ông bà để lại nếu đáp ứng được những điều kiện nhất định theo quy định pháp luật.

– Thứ hai, điều kiện để con nuôi được hưởng di sản từ cha mẹ nuôi:

  Để được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ nuôi thì con nuôi phải được nhận nuôi một cách hợp pháp tức phải được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 22 Luật Nuôi con nuôi như sau:

  “Điều 22. Đăng ký việc nuôi con nuôi

  1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

  2. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

  3. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.”

  Bên cạnh đó, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010 cũng quy định như sau:

  ” Điều 50. Điều khoản chuyển tiếp

  Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

  b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

  c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

  Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nđuôi con nuôi.”

  Bởi vậy, nếu bố anh đã thực hiện thủ tục theo quy định trên thì bố anh có quyền hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ nuôi. Ngược lại, trường hợp bố anh được ông bà nhận nuôi từ bé nhưng không tiến hành thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì bố anh không được hưởng di sản này.

– Thứ ba, thủ tục hưởng di sản thừa kế theo pháp luật:

  Giả sử, bố anh đáp ứng được những điều kiện đã trình bày ở trên thì có thể khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế sẽ áp dụng theo quy định của BLDS 2015 là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản (kể từ thời điểm bà nội nuôi mất). Bố anh cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm những giấy tờ sau:

  + Đơn khởi kiện;

  + Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;

  + Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

  + Bản kê khai các di sản;

  + Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

  + Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).

  Do di sản thừa kế ông bà anh để lại là bất động sản (nhà và đất ở phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) và động sản là 500 triệu tại ngân hàng cho nên theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 thì bố anh sẽ nộp hồ sơ trên đến TAND quận Hoàn Kiếm (nơi có bất đống sản) để được giải quyết quyền lợi.

  Trên đây là ý kiến giải đáp của Công ty Luật Minh Tín. Để được hỗ trợ vui lòng liên hệ số điện thoại: 0915.177.856 hoặc địa chỉ: Công ty Luật TNHH Minh Tín, tầng 4, tòa nhà Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.

Sharing is caring!

3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishVietnamese